Bất chấp vụ giằng co về ngân sách ở Washington, các chứng khoán ở châu Á hôm nay phần lớn có lên có xuống.
Tại Seoul, phát biểu qua một người thông dịch, Bộ trưởng Tài chính Bahk Jae-wan, nói với hãng tin Reuters rằng ông trông đợi Washington sẽ tìm ra một giải pháp trước kỳ hạn 2 tháng 8 về mức trần nợ.
Bộ trưởng Tài chính Bahk Jae-wan nói rằng Nam Triều Tiên không ở trong giai đoạn cần phải cứu xét các biện pháp như phục hồi lại một cuộc trao đổi tiền tệ với Hoa Kỳ.
Nam Triều Tiên giữ rất nhiều đôla trong quỹ dự trữ ngoại hối. Trong thời kỳ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây ít năm, Hoa Kỳ và các chính phủ khác đã dùng biện pháp trao đổi tiền tệ – ngoại hối dự trữ – để giúp ổn định hóa các hệ thống tài chính.
Có những dấu hiệu cho thấy vụ động đất và sóng thần ở Nhật Bản và cuộc khủng hoảng nợ nần ở châu Âu đang gây thiệt hại cho các nền kinh tế Á châu trong năm nay.
Tại Singapore, sản lượng công nghiệp và tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa đã khựng lại khoảng 0,5% trong quý hai, sụt từ mức hơn 9% trong 3 tháng đầu của năm nay.
Các nhà kinh tế quy trách những gián đoạn trong dây chuyền cung ứng toàn cầu của Nhật Bản sau vụ động đất tháng 3. Ngân hàng Nhật Bản tuần này đã hạ giảm triển vọng tăng trưởng vì vụ động đất.
Cuộc khủng hoảng nợ nần ở châu Âu và thành tích kinh tế yếu kém ở Hoa Kỳ đã hạ giảm triển vọng xuất khẩu của châu Á. Phần lớn các nền kinh tế của châu Á lệ thuộc nặng vào xuất khẩu để tăng trưởng.
Ông Brian Redican, một kinh tế gia kỳ cựu của Tập đoàn Ngân hàng Macquarie ở Australia, nói rằng trong khi sự trì chậm của Singapore là một chỉ dấu cho châu Á trong đoản kỳ, ông trông đợi sẽ có sự hồi phục trong năm nay.
Ông nói: “Singapore quả thực có xu hướng dẫn đầu các nền kinh tế Á châu. Ta bắt đầu nhìn thấy sự kiện đó phản ánh trong các nền kinh tế khác ở châu Á trong vài tháng tới. Nhưng chúng tôi không nghĩ rằng chiều hướng đi xuống ở Singapore cho đến nay sẽ tiếp tục tới cuối năm. Vào lúc bước qua tháng 12, Singapore ắt sẽ mau chóng thoát ra khỏi tình trạng trì chậm tạm thời này.”
Ông Redican và các nhà kinh tế khác cho rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thúc đẩy các nền kinh tế châu Á.
Có các dấu hiệu cho thấy đầu tư và sản lượng công nghiệp ủa Trung Quốc đang hơi chậm lại, một hiện tượng mà một số kinh tế gia cho là điều tốt bởi như thế có nghĩa là các nỗ lực cắt giảm lạm phát đang có hiệu quả.
Ông Redican nói triển vọng của Trung Quốc là tốt đẹp:
“Chúng ta vẫn nghĩ rằng đang có một sự trì chậm bên trong Trung Quốc, và một lần nữa hiện tượng đó sẽ còn tiếp tục trong khoảng trên dưới 6 tháng nữa. Nhưng nó không diễn ra quá nhanh và điều đó ắt sẽ cung cấp nhiều sự bảo đảm rằng nền kinh tế lớn nhất trong khu vực sẽ tiếp tục ở trong tình trạng khá vững mạnh.”
Tại Thái Lan, các nhà phân tích thị trường trông đợi thủ tướng tân cử Yingluck Shinawatra sẽ tận dụng các chương trình chi tiêu mới của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, các kinh tế gia cho rằng lãi suất và lạm phát cao hơn có thể làm cho chỉ tệ Thái tăng gia và gây thiệt hại cho tăng trưởng xuất khẩu.
Vào lúc các quốc gia ở châu Á theo dõi sát xem các nhà lập pháp ở Washington có thỏa thuận được về một kế hoạch nâng mức trần nợ quốc gia lên hay không, có một vài dấu hiệu cho thấy một sự chậm lại trong một nền kinh tế hàng đầu ở châu Á. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, Singapore báo cáo một sự sụt giảm mạnh trong quý hại, nhưng các kinh tế gia vẫn trông đợi vào các triển vọng dài hạn.