Theo số liệu của trung tâm nghiên cứu Pew ở Washington, D.C. vào năm 1970, 28% phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 44 có chồng là những người có học vấn cao hơn, so với 20% số phụ nữ lấy chồng có học vấn thấp hơn. Tuy nhiên vào năm 2007, xu thế này đã đảo ngược khi chỉ có 19% phụ nữ lấy chồng có học vấn cao hơn so với 28% phụ nữ lấy chồng có học vấn thấp hơn.
Về thu nhập, vào năm 1970, chỉ có 4% đàn ông có vợ mang về thu nhập nhiều hơn họ, trong khi con số này tăng lên 22% vào năm 2007, tức là nhiều gấp hơn 5 lần.
Theo nghiên cứu của Pew người Mỹ hiện nay có nhiều cơ hội hơn để nâng cao học vấn so với 4 thập niên trước đây, và trình độ học vấn đóng vai trò quan trọng trong thu nhập của các gia đình Mỹ, học vấn càng cao thì thu nhập của gia đình họ càng gia tăng.
Giáo sư Caroline Kiều Linh Valverde, tại trường đại học University of California, Davis, nói rằng bà không ngạc nhiên về kết quả của nghiên cứu này.
“Bởi vì chúng ta đang sống trong một thời kỳ hậu hiện đại, khi mà cơ hội về mặt kinh tế đối với phụ nữ có nhiều hơn, và họ thường lựa chọn không kết hôn sớm, hay kết hôn vì lợi ích kinh tế, họ cũng không phải lựa chọn một người đàn ông có thu nhập hay địa vị cao hơn trong xã hội. Phụ nữ giờ đây có nhiều lựa chọn để theo đuổi sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, hạn chế của hiện tượng này là phụ nữ cần thêm nhiều thời gian để đạt được thành công và địa vị mà họ mong muốn. Lúc đó thì họ đã ở trong độ tuổi ngoài 30, trong khi đó số những người đàn ông thành đạt, có địa vị xã hội cao hơn họ và còn độc thân không còn nhiều như trước, và số những người đàn ông có học vấn hay địa thấp hơn họ thì lại có phần gia tăng. Hơn nữa khi họ đã có điều kiện tài chính và địa vị xã hội vững vàng thì họ không còn cảm thấy cần phải lệ thuộc vào người đàn ông về mặt kinh tế. Vì vậy tôi nghĩ đó là lý do tại sao phụ nữ hiện nay không loại bỏ khả năng lấy một người chồng có địa vị kinh tế xã hội thấp hơn mình.”
Kết quả nghiên cứu của Pew cũng cho thấy một số nguyên nhân khác góp phần vào hiện tượng này là tỉ lệ kết hôn tại Mỹ đã sút giảm. Ngày càng có nhiều người Mỹ có xu hướng sống chung, ly dị, hoặc kết hôn muộn, và thậm chí là không muốn kết hôn. Trong số nhóm đối tượng ở độ tuổi từ 30-44, được cho là những người đã hoàn thành sự nghiệp học hành, đã có việc làm và kết hôn, vào năm 2007 chỉ có 60% số người này đã lập gia đình so với con số 84% của năm 1970.
Ngoài ra tình trạng kinh tế suy thoái lại càng khiến tỉ lệ phụ nữ có thu nhập cao hơn đàn ông tăng lên, bởi đàn ông là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều hơn về vấn đề việc làm. Theo số liệu thống kê của Cục Lao động Mỹ, năm 2008, nam giới chiếm khoảng 75% số người ở độ tuổi lao động chính bị mất hoặc thiếu việc làm. Trong khi phụ nữ đang tiến tới một dấu mốc mới khi họ gần chiếm ½ trong tổng số lực lượng lao động ở Mỹ. Tỉ lệ lao động nữ đã tăng từ 46,5% trong năm 2007 lên 47,5% vào tháng 12 năm 2009.
Vậy với sự thay đổi về thu nhập và học vấn trong gia đình, việc phân chia công việc nhà trong các gia đình Mỹ này có thay đổi theo không? Theo giáo sư Kiều Linh thì thời đại mà phụ nữ được trông đợi vừa phải ra ngoài làm việc, vừa phải chăm lo cho con cái và coi sóc việc nhà đã qua. Giờ đây cả đàn ông và phụ nữ đều có trách nhiệm chia sẻ công việc này. Với sự độc lập về kinh tế, các đôi vợ chồng có thể thuê người chăm sóc con cái hay người chồng có thể ở nhà để chăm sóc con. Vì vậy đây là sự thay đổi trong thế giới lao động cũng như trong gia đình.
Đó là xu thế trong xã hội Mỹ, một xã hội phương Tây và một nước có nền kinh tế phát triển. Còn đối với những nước đang phát triển, những xã hội châu Á, đặc biệt là Việt Nam nơi mà theo quan niệm truyền thống thì người đàn ông là trụ cột của gia đình, là người kiếm tiền chính, liệu đã có một sự thay đổi như vậy diễn ra hay chưa? Giáo sư Kiều Linh nhận định:
“Một điều thú vị mà tôi nhận thấy ở Việt Nam, đó là văn hóa Khổng giáo ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Tuy nhiên xã hội Việt Nam lại đang trải qua những thời kỳ như xã hội phương Tây đã từng trải qua, đó là trên thực tế phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội để có được học vấn cao hơn, họ có khả năng kiếm được những công việc có thu nhập cao, nhưng đồng thời thì họ vẫn bị ràng buộc bởi những trách nhiệm truyền thống là họ phải chăm sóc gia đình. Vì vậy mà hiện nay người phụ nữ đang phải chịu gánh nặng gấp đôi. Và tôi nghĩ là trong quan niệm và tư tưởng của nhiều người phụ nữ Việt Nam vẫn chưa có sự thay đổi về mặt tâm lý để họ tin rằng họ thực sự đã vượt qua nam giới về sự độc lập tài chính, và họ vẫn còn cảm thấy vai trò của họ là làm sao để người chồng có thể tự hào khi ra ngoài xã hội. Theo tôi thì đã có sự thay đổi trong thực tế, nhưng sự thay đổi trong tâm lý của người Việt vẫn chưa bắt kịp với thời gian.”
Theo giáo sư Kiều Linh xã hội Mỹ không có cơ cấu kiểu Khổng giáo nơi mà đàn ông luôn nắm giữ vị trí quyền lực cao hơn trong xã hội, mà xã hội Mỹ là một xã hội luôn tìm cách để làm sao bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, sự bình đẳng trong nghề nghiệp, lương bổng.
“Đó là sự khác biệt về nền tảng xã hội về nền tảng lịch sử và văn hóa so với xã hội châu Á với tư tưởng Khổng giáo. Và điều quan trọng là những xã hội này vẫn chấp nhận tư tưởng đó. Quan niệm này đã có từ hàng ngàn năm nay vì vậy không dễ dàng có thể thay đổi một sớm một chiều chỉ đơn giản vì thực tế là phụ nữ đang có thu nhập cao hơn trong xã hội. Tôi nghĩ sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực của chính phủ, các tổ chức ở Việt Nam để làm sao có thể khiến cho mọi người có những suy nghĩ khác đi so với những suy nghĩ đã có từ hàng ngàn năm nay.”
Giáo sư Kiều Linh cho rằng một điều quan trọng nữa khi nhìn vào hiện tượng thay đổi này không phải là để chúng ta ngạc nhiên trước sự thay đổi đó, mà chúng ta cũng cần nhìn nhận nó trong bối cảnh toàn cầu hóa.
“Hiện tượng này thực sự nói lên rằng chúng ta đang phát triển thành một thế lực toàn cầu như thế nào? Trong quá khứ khi chúng ta nói đến các quốc gia chúng ta có thể nói đến từng nước như Việt Nam, Pháp, Mỹ v.v nhưng giờ đây chúng ta kết nối với nhau về mặt kinh tế, văn hóa vì vậy tôi nghĩ những hiện tượng như thế này diễn ra trên khắp thế giới hiện nay và thực tế là chúng ta đang sống ở thời đại toàn cầu hóa.”
Giáo sư Caroline Kiều Linh Valverde có bằng Tiến sĩ tại Đại học University of California, Berkeley. Bà chuyên nghiên cứu về các vấn đề đương đại và lịch sử Đông Nam Á - Mỹ, cũng như về phụ nữ và giới. Bà cũng đã thực hiện những cuộc nghiên cứu về vấn đề giới tại Việt Nam. Hiện tại bà đang giảng dạy tại trường đại học University of California, Davis.
Một nghiên cứu mới đây của trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Reserch Center) cho thấy ngày càng có nhiều đàn ông Mỹ lấy vợ có học vấn và thu nhập cao hơn mình. Yếu tố nào đã dẫn tới xu thế này và liệu đây là xu thế ở các nước phát triển như Mỹ hay sẽ là xu thế chung đối với cả những nước đang phát triển, đặc biệt là những nước châu Á như Việt Nam, nơi vẫn còn nặng tư tưởng truyền thống rằng đàn ông là trụ cột chính trong gia đình?
Đọc nhiều nhất
1