Báo chí thế giới trong những tuần qua tràn ngập tin tức về vụ bê bối tình dục của cựu Tổng giám đốc Quĩ Tiền tệ Quốc tế, IMF, ông Dominique Strauss-Kahn, người đã bị truy tố về tội tấn công tình dục đối với một nữ hầu phòng tại một khách sạn sang trọng ở New York.
Mặc dù tới giờ ông Strauss-Kahn vẫn phủ nhận là mình vô tội, nhưng ông cũng đã phải từ bỏ chức vụ người đứng đầu IMF và tương lai chính trị của ông cũng chưa biết sẽ đi về đâu.
Tin tức về ông Strauss-Kahn chưa ngớt trên báo chí thì dư luận lại một lần nữa chứng kiến một vụ bê bối của một nhân vật quyền lực khác, cựu Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger, người mới thừa nhận chuyện có con riêng.
Tuy nhiên, ông Strauss-Kahn cũng như ông Schwarzenegger không phải là những chính trị gia hay những người đàn ông quyền lực đầu tiên dính líu tới những vụ việc như vậy. Còn nhớ, hồi năm 1997, sau nhiều lần phủ nhận mọi cáo giác liên quan đến chuyện ngoại tình với cô Monica Lewinsky, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã phải thú nhận mối quan hệ của ông với nữ thực tập sinh tại Tòa Bạch Ốc này.
Hồi năm 2008, dân biểu John Edwards của đảng Dân chủ cũng thừa nhận đã có quan hệ với cô Rielle Hunter, một nhà sản xuất video cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông, trong lúc người vợ của ông đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư. Sau đó, ông cũng thừa nhận đã có con với cô Hunter.
Cũng trong năm 2008, cựu Thống đốc New York Eliot Spitzer, người từng tạo được danh tiếng là một người trong sạch và một người đàn ông của gia đình, đã bị phát hiện có liên quan đến một đường dây mại dâm cao cấp. Ông đã phải từ chức sau vỏn vẹn 1 năm tại nhiệm.
Tại sao những người đàn ông tài giỏi, nhiều quyền lực lại bị vướng vào những vụ bê làm ảnh hưởng tới thanh danh của họ như vậy?
Kênh truyền hình Fox News và báo Daily Mail trích kết quả của một cuộc khảo sát của trường đại học Tilburg của Hà Lan, sắp được công bố trên Psychological Science, được tiến hành trên 1,561 chuyên gia không nêu danh tính, cho thấy quyền lực có liên hệ tới sự tự tin, và những người có sự tự tin cao thì thường có xu hướng ngoại tình hơn.
Fox News cũng trích lời nhà nghiên cứu lịch sử Stephanie Coontz thuộc Đại học Evergreen ở Washington nhận định rằng các chính trị gia thường có nhiều cơ hội gặp gỡ nhiều người hơn và đối với phụ nữ họ tỏ ra hấp dẫn hơn so với những người đàn ông bình thường.
Giải thích về xu hướng những người có nhiều quyền lực có khả năng ngoại tình cao hơn so với những người ít quyền lực hơn, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình tại Viện Xã hội học Việt Nam, nhận định:
“Nếu nói là sự biểu tỏ quyền lực thì cũng không hoàn toàn chuẩn xác, nhưng người ta (những người có quyền lực) thường muốn tìm dáng nét, sự ảnh hưởng của mình ở đối tác khác. Thông thường những người hoặc được đời chiều hoặc do bản lĩnh cao cường mà người ta có quyền lực có xu hướng hướng ngoại lớn hơn những người thuần túy hướng nội, và họ có xu hướng tối đa hóa việc tự thỏa mãn mình. Thứ ba, những người có quyền lực bao giờ cũng muốn thể hiện quyền lực. Bản thân chuyện ngoại tình hay chuyện chinh phục một đối tác nào đó, dẫu rằng không phải trong lĩnh vực tình yêu và tình dục, cũng là nhằm thỏa mãn sự chiếm đoạt, nhằm đạt tới cái tôi, cái lấn lướt, cái khẳng định của mình ở hết lĩnh vực này đến lĩnh vực khác.”
Kết quả cuộc nghiên cứu của trường đại học của Hà Lan cũng cho thấy vấn đề giới tính không đóng vai trò đáng kể trong xu hướng ngoại tình mà cả đàn ông lẫn phụ nữ quyền lực đều có xu hướng đó. Cuộc khảo sát kết luận rằng xã hội không được nghe nói nhiều đến nhiều trường hợp phụ nữ ngoại tình bởi số phụ nữ có quyền lực trên thế giới chưa nhiều bằng đàn ông.
Còn theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình mục đích ngoại tình của đàn ông và phụ nữ quyền lực mang màu sắc khác nhau:
“Chúng ta có thể mạnh dạn dùng chữ phụ nữ có quyền lực thì thường cũng dễ phiêu lưu hơn trong việc kiếm tìm ảnh hưởng của mình ở chỗ khác. Xét cho cùng thì vẫn hàm chứa xu hướng chiếm đoạt đối tác, nhưng rõ ràng màu sắc có khác. Người nữ giới chiếm đoạt theo cách khác, theo nghĩa là xem mình ảnh hưởng đến đâu, mình phiêu lưu thế nào, còn người đàn ông có quyền lực nhiều là muốn khẳng định, muốn đánh dấu.”
Theo bà Stephanie Coontz thì công chúng Mỹ rất dễ phẫn nộ khi nghe tin về một vụ ngoại tình nào đó của các chính trị gia, nhưng họ cũng rất nhanh chóng tha thứ. Bà lấy ví dụ về việc cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich đã thoải mái trở lại trong cuộc tranh cử tổng thống bất chấp những bê bối ngoại tình trước đó.
Bà Coontz nói "Công chúng hiện nay thể hiện sự tức giận nhiều hơn trước đây, nhưng chừng nào mà những chính trị gia đó quay về với vợ và người vợ đó ủng hộ ông chồng bê bối của mình, thì công chúng dường như lại muốn cho họ thêm một cơ hội.”
Đó là các hành xử của xã hội Mỹ, còn nếu một giới chức cấp cao Việt Nam bị phát hiện ngoại tình thì xã hội Việt Nam sẽ tỏ thái độ ra sao? Tiến sĩ Hòa Bình cho rằng Việt Nam có một nền văn minh “vừa phải” và văn hóa Việt Nam dù có chiều sâu đến mấy thì vẫn ảnh hưởng bởi văn hóa Nho giáo.
Theo ông, trong những vụ việc như vậy, người Việt Nam không chỉ tức giận và phẫn nộ về “sự sạch sẽ của đạo đức cá nhân” mà còn có xu hướng đố kị và ganh ghét. Ông cho rằng người Việt Nam “thù dai” hơn so với những dân tộc khác, như người Mỹ chẳng hạn. Ông nói tiếp:
“Tất nhiên, trong thời buổi ngày nay, sự phát triển và sự công phạt một cách mạnh mẽ hơn của kinh tế thị trường kéo theo những bục vỡ và đứt gãy về giá trị. Xu hướng có phần “cởi mở” hơn nhưng vẫn là bản sao thủa nào của văn hóa Á Đông, chứ không thể nào hoàn toàn hiện đại như vậy. Giữa lời nói và việc làm cũng khác, lời nói có thể coi chuyện đó không ghê gớm lắm, nhưng thâm tâm thì vẫn nhìn nhận khá nặng nề và xem chuyện đó không chỉ đáng lên án thuần túy mà còn là chuyện xấu xa, bỉ ổi. Đặc biệt đối với những trường hợp người ta có thể so sánh những hành vi kiểu đấy nảy sinh ở những người giả đạo đức, xã hội Việt Nam đánh giá rất thậm tệ xu hướng giả đạo đức. Khi người ta nhân danh tự do cá nhân, nhân danh chuyện cởi mở và hiện đại, nhân danh chuyện vươn tới để thỏa mãn những giá trị sống tốt hơn để làm những điều phi luân thì sự cuồng nộ của công chúng, của xã hội và cộng đồng còn lớn hơn ở bất kỳ xã hội nào.”
Vụ bê bối tình dục của cựu Tổng giám đốc IMF còn chưa ngã ngũ, báo chí và dư luận Mỹ cũng như trên khắp thế giới lại xôn xao với tin tức về đứa con ngoài giá thú của cựu thống đốc bang California. Trước đó, nhiều chính trị gia nổi tiếng như cựu Tổng thống Bill Clinton, hay Dân biểu John Edwards và một số nhân vật quyền lực khác cũng điêu đứng khi bị phát hiện ngoại tình. Tại sao những người nhiều quyền lực lại có xu hướng dễ vướng vào chuyện ngoại tình như vậy? Có mối liên hệ nào giữa quyền lực và chuyện ngoại tình hay không?