Ông Dominique Strauss-Kahn nhận chức Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vào năm 2007 với hỗ trợ mạnh của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Hoa Kỳ cũng ủng hộ việc chọn ông.
Đối với một số người, ông Strauss-Kahn là người đã biến đổi và phục sinh IMF. Một trong những người này là ông Jacob Kirkegaard, thuộc viện Peterson chuyên về Kinh Tế Thế Giới:
“Vào năm 2007, IMF đã trải qua một thời kỳ phải thu nhỏ lại. Họ sa thải bớt nhân viên. Không ai nghĩ nó còn mang lại lợi ích gì.”
Thế rồi xảy ra cơn khủng hoảng tài chánh năm 2008 và những hệ quả của thời kỳ đó. Ông Kirkegaard cho rằng điều này đã khiến IMF trở thành một tổ chức tài chánh cần thiết:
“Tôi nghĩ rằng trong một phạm vi lớn, nếu coi IMF đã đóng một vai trò chủ chốt của tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng này thì người góp công thật sự là Dominique Strauss-Kahn.”
Ông Kirkegaard nói khó khăn tài chánh trên thế giới vẫn chưa qua hẳn, nhưng IMF đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ tài chánh cho những nước bị kẹt, nhất là tại châu Âu. Ông nói:
“Phản ứng mau lẹ của IMF để có một chương trình cải tổ cơ chế đáng tín nhiệm tại Hy Lạp, Ireland và mới đây là Bồ Đào Nha đã vô cùng quan trọng nhằm thay đổi các thị trường tài chánh, ít ra là bằng một tia hy vọng; điều này đã làm được mà không xảy ra trường hợp vỡ nợ quan trọng cho quốc gia. Đây là một lãnh vực mà IMF đã đóng vai trò rất tích cực, và rõ ràng là do sự lèo lái của người điều hành.”
Tuy nhiên, những người khác lại đánh giá ông Strauss-Kahn không được thuận lợi như vậy, chẳng hạn như bà Emira Woods, thuộc Viện Nghiên Cứu Chính Sách tại Washington:
“Nếu bạn đánh giá lãnh đạo IMF trong 5 năm sau cùng, đặc biệt qua lăng kính phía châu Phi, thì đó là một hạng bậc thất bại… khi bạn nhìn nhận rằng, trong một phạm vi lớn thì cuộc suy thoái đã khởi sự trên đất Mỹ với chính sách địa ốc của Hoa Kỳ và chính sách kinh tế Hoa Kỳ, thế mà không hề có thay đổi cơ bản nào được IMF áp dụng cho Mỹ. Bạn cũng phải nhận thấy rằng có những tiêu chuẩn mà IMF cố gắng áp dụng cho châu Phi và những khu vực khác trên thế giới, nhưng lại không được áp dụng với Mỹ, châu Âu và những nước giàu có khác.”
Trước mắt, những người theo dõi thời cuộc nói rằng đảng Xã hội Pháp đã mất đi một ứng cử viên sáng giá có thể đánh bại đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy vào năm 2012.
Trước khi bị bắt giữ tại New York, ông Strauss-Kahn là một trong những nhân vật thế lực và có ảnh hưởng nhất trong giới tài chánh quốc tế. Hai chuyên viên đã đưa ra những nhận xét khác nhau về ông.