Đường dẫn truy cập

Vua Charles III lên ngôi: ‘Không tưng bừng lắm’


Tân vương Charles Đệ tam và Hoàng hậu Camilla xuất hiện trên ban công Điện Buckingham sau lễ đăng quang
Tân vương Charles Đệ tam và Hoàng hậu Camilla xuất hiện trên ban công Điện Buckingham sau lễ đăng quang

Vua Charles Đệ tam lên ngôi vào lúc nước Anh trải qua giai đoạn khó khăn về kinh tế và sức hấp dẫn của ông không bằng cố Nữ hoàng nên không khí có vẻ trầm lắng hơn các sự kiện hoàng gia khác, một số công dân Anh gốc Việt nói với VOA.

Nước Anh hôm 6/5 đã chứng kiến những nghi thức long trọng trong lễ đăng quang đầu tiên trong vòng 70 năm của vua Charles III sau khi mẫu hoàng ông là Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị băng hà hồi tháng 9 năm ngoái.

Ở tuổi 74, Charles III là người lớn tuổi nhất từng lên ngai vàng. Ông đã phải chờ đợi lâu hơn bất cứ vị quân chủ nào trước ông. Vào thời điểm mẫu hoàng của ông bằng tuổi ông bây giờ, bà đang hướng tới kỷ niệm vàng, tức tròn 50 năm lễ đăng quang.

Quy mô nhỏ hơn năm 1953

Khoảng 100 nguyên thủ quốc gia và hàng chục thành viên hoàng gia từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, đã đến London để tham dự lễ đăng quang. Thủ tướng Anh Rishi Sunak và tất cả các cựu thủ tướng Anh còn sống đều có mặt.

Dọc theo tuyến đường dài 2km từ Cung điện Buckingham, dinh thự chính thức của hoàng gia Anh, đến Tu viện Westminster, nơi tổ chức mọi lễ đăng quang kể từ năm 1066, nhiều người hâm mộ hoàng gia đã cắm trại nhiều ngày để có được góc nhìn tốt nhất để tận mắt xem lễ rước tân vương.

Tại Tu viện Westminster, số lượng quan khách tham dự gồm khoảng 2.300 người, ít hơn nhiều so với năm 1953 khi các công trình dã chiến được dựng lên trong tu viện để có chỗ cho hơn 8.000 người trong danh sách khách mời, theo CNN.

Để so sánh, vào năm 1953, hơn 40.000 binh sĩ đã tham gia lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị trong một quân đội có lực lượng hơn 850.000 người. Nhưng ngày nay, quân số của quân đội Anh đã giảm xuống dưới 150.000 người.

Trong một bài nghiên cứu gần đây, Khoa Hiến pháp tại Đại học University College London cho rằng nước Anh ‘vẫn có một chế độ quân chủ quốc tế, với vua Anh là nguyên thủ quốc gia của 14 nước khác’ nhưng ‘nước này không còn là một đại cường quốc tế’.

Buổi lễ đăng quang này khiêm tốn hơn so với 70 năm trước, một phần là do tân vương được cho là ưu tiên cho chế độ quân chủ hiện đại hơn, tinh gọn hơn. Đó cũng bởi vì, như các học giả tại UCL đã nói, ‘nước Anh không còn khả năng tái hiện lại cảnh tượng’ trong lễ đăng quang Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị.

Vua Charles III thừa hưởng một vương quốc mà ở đó không chỉ niềm tin vào quyền thiêng liêng của nhà vua đã phai mờ, mà ngay cả tín ngưỡng cũng tuột dốc. Chưa đến một nửa dân số England và xứ Wales, tức khoảng 46,2%, nhận mình là tín đồ Thiên chúa giáo, CNN dẫn số liệu cuộc điều tra dân số năm 2021 cho biết – và 37,2% dân số nói rằng họ không theo tôn giáo.

Tranh cãi về chế độ quân chủ

Bất chấp sự hoành tráng của lễ đăng quang, nó không phải là không gây tranh cãi. Một số người đã phản đối hàng triệu bảng tiền thuế của người dân Anh được chi trả cho một buổi lễ xa hoa vào thời điểm hàng triệu người phải gánh chịu khủng hoảng chi phí sinh hoạt trầm trọng.

Lễ đăng quang cũng làm bùng phát các cuộc biểu tình chống chế độ quân chủ, với một vài người biểu tình bị bắt ở trung tâm London vào sáng ngày 6/5 trước khi buổi lễ đăng quang bắt đầu.

Trước đó, đã có sự bất bình khi một đạo luật gây tranh cãi và bị chỉ trích rộng rãi về trật tự công cộng có hiệu lực. Đạo luật này, vốn được Nhà vua ký thành luật chỉ vài ngày trước lễ đăng quang, cho cảnh sát quyền hành động mạnh mẽ hơn đối với những người biểu tình ôn hòa.

Sau khi Nữ hoàng Elizabeth băng hà, công ty thăm dò dư luận YouGov cho biết có sự tăng mạnh về tỷ lệ người dân Anh có cái nhìn thiện cảm đối với vua Charles - từ trong khoảng 40% lên 55%. Ông là thành viên hoàng gia được yêu mến thứ năm, sau con dâu Kate, con trai William, em gái Anne và thân mẫu quá cố của ông – người thường xuyên có tỷ lệ ủng hộ gần 80%, tờ Guardian cho biết.

Tháng trước, một cuộc thăm dò của YouGov cho thấy công chúng Anh ủng hộ rộng rãi việc duy trì chế độ quân chủ, với 58% muốn có một vị quân chủ so với 26% muốn bầu ra nguyên thủ quốc gia. Trong số những thanh niên tuổi từ 18 đến 24, chỉ có 32% ủng hộ chế độ quân chủ; 38% muốn bầu cử. Tỷ lệ ủng hộ chế độ quân chủ ở những người trên 65 tuổi vẫn vững chắc ở mức 78%.

‘Có thêm ngày nghỉ’

Từ North London, cô Hiền Đỗ, một kế toán viên định cư ở Anh đã được 10 năm, nói VOA điều khiến cô vui nhất trong lễ đăng quang là được có thêm một ngày nghỉ để dẫn con đi chơi.

“Về khía cạnh dư luận quan tâm thì tôi thấy không khí năm nay cũng tưng bừng nhưng không được tưng bừng như hồi đám cưới của hoàng tử William và công nương Kate,” cô Hiền nói và cho biết nguyên nhân ‘có lẽ năm nay do thời tiết xấu’.

Theo lời cô thì so với cố Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị thì Vua Charles III ‘ít được lòng dân hơn’ nên cô cảm thấy ‘chế độ quân chủ Anh đang cố gắng bám trụ’.

“Chắc phải đợi đến lượt hoàng tử William lên ngôi thì may ra chế độ quân chủ mới được người dân ưa chuộng trở lại,” cô nói.

Khi được hỏi cô ủng hộ duy trì hay bãi bỏ chế độ quân chủ ở Anh, cô Hiền nói ‘có bỏ hay không cũng không ảnh hưởng gì vì đã lâu rồi hoàng gia không can dự vào chính trường’. Tuy nhiên, nếu bỏ thì ‘làm mai một giá trị văn hóa của người Anh’, cô nhận xét.

“Chế độ quân chủ là đặc trưng văn hóa của nước Anh như phong tục tập quán các nước thôi,” cô lý giải.

‘Không khí trầm lắng’

Ông Michael Dương, vốn vượt biên sang Anh từ năm 1986 và hiện định cư tại London, cảm thấy ngày lễ đăng quang ‘có vẻ trầm lắng’.

“Những dịp lễ hoàng gia khác người ta cắm cờ ở mọi nơi, nhà ai cũng cắm cờ. Nhưng lễ đăng quang này chẳng có mấy người xôn xao,” ông nói và cho biết bản thân ông do bận việc nên cũng không ra xem trực tiếp mà chỉ xem lại qua tivi.

Ông nói khi ông giao tiếp với bạn bè và đối tác từ những xứ như Wales hay Ireland thì ‘họ có nhìn nhận không tích cực về hoàng gia Anh’. Trong khi đó, cộng đồng người Việt ở Anh ‘ai cũng kính trọng Nữ hoàng và Nhà vua mặc dù họ không mấy quan tâm đến hoàng gia’.

Theo lời ông thì những người Việt qua Anh ‘được hưởng những lợi ích cuộc sống’ nên muốn giữ chế độ quân chủ đã có từ bao đời nay.

“Nước Anh có ngày hôm nay cũng nhờ có Nhà vua và Nữ hoàng nên cần phải giữ chế độ quân chủ,” ông nói cho rằng tiền thuế của người dân dùng để nuôi hoàng gia ‘không có gì phí phạm vì hoàng gia Anh tạo nên mặt mũi cho đất nước’.

Ông Michael nói trong bối cảnh vật giá xăng dầu, hàng hóa, thực phẩm mọi thứ đều tăng cao còn công việc thì khó khăn hơn ngày xưa rất nhiều, nhiều người Việt giờ đây khi gặp nhau hay than thở về cuộc sống nên ông mong dưới thời trị vì của vua mới, cuộc sống sẽ tốt hơn.

Ông nằm trong phái đoàn người gốc Việt được Đại sứ quán Việt Nam tổ chức gặp mặt Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhân dịp ông Thưởng sang London dự lễ đăng quang. Ông cho biết ông được tháp tùng đoàn của ông Thưởng đi tiếp xúc các cơ quan ở London.

Theo quan sát bên ngoài của ông thì phái đoàn của ông Thưởng ‘được phía Anh tiếp đón nhiệt tình’.

“Có vẻ họ rất coi trọng Việt Nam,” ông nói và cho biết trong chuyến đi này, ông Thưởng ‘gặt hái được nhiều thứ’ qua các cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ Anh.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG