Mỹ và các đồng minh đã đáp lại vụ thử hạt nhân thứ năm mà Bắc Triều Tiên thực hiện vào thứ Sáu tuần trước bằng lời kêu gọi áp đặt những biện pháp trừng phạt mới, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục gửi đi những tín hiệu mập mờ về việc liệu nước này có hỗ trợ bất kỳ hành động trừng phạt nữa hay không đối với nước đồng minh truyền thống của mình.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp hôm thứ Hai, 12/9, với những nhà lãnh đạo thuộc đảng đương quyền của bà là Đảng Saenuri và hai đảng đối lập chính, Đảng Minjoo và Đảng Nhân dân, để kêu gọi sự đoàn kết đáp lại mối đe dọa hạt nhân ngày càng lớn của Bắc Triều Tiên.
Hàn Quốc đang phối hợp với Mỹ, Nhật Bản và các nước khác để thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gia tăng những biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Những biện pháp mới này có thể bổ sung vào danh sách những mặt hàng xuất khẩu bị cấm, và mở rộng số lượng những cá nhân và thực thể của Bắc Triều Tiên có tên trong danh sách đen vì có liên hệ tới những chương trình quân sự và vũ khí của Bắc Triều Tiên.
Ông Sung Kim, đặc phái viên của Mỹ về chính sách Bắc Triều Tiên nói rằng Washington và các nước đồng minh trong khu vực cũng đang cân nhắc áp đặt thêm những biện pháp chế tài đơn phương.
Tuy nhiên, thông tấn xã nhà nước KCNA của Bắc Triều Tiên hôm Chủ nhật gọi nỗ lực áp đặt những chế tài mới do Mỹ dẫn đầu là "vô nghĩa" và "hết sức nực cười."
Bất chấp vòng chế tài mới nhất của quốc tế áp đặt hồi tháng 3, Bắc Triều Tiên đã tăng tốc những nỗ lực phát triển vũ khí của mình, tiến hành hai vụ thử hạt nhân trong năm nay cũng như thực hiện 21 vụ thử nghiệm phi đạn, bao gồm một phi đạn tầm xa vào tháng 2 và nâng cao năng lực phóng phi đạn từ tàu ngầm của họ.
Vai trò của Trung Quốc
Trong khi những biện pháp hạn chế nhắm vào Bắc Triều Tiên đã gây ra một số tác động kinh tế trong lĩnh vực thương mại, vận tải và tài chính, song những tác động này được cho là đã được giảm bớt thông qua những giao dịch chợ đen, sự hội nhập với những công ty nước ngoài, và việc Trung Quốc chủ trương thi hành chế tài một cách lơi lỏng.
Sự hợp tác của Bắc Kinh về vấn đề chế tài được coi là trọng yếu bởi vì 90 phần trăm thương mại của Bắc Triều Tiên đi vào hoặc đi qua Trung Quốc.
Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc gây áp lực nhiều hơn lên Bắc Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình hạt nhân nhằm đổi lấy viện trợ về kinh tế và những bảo đảm về an ninh.
Dù Bắc Kinh đã kêu gọi Bình Nhưỡng ngưng thực hiện thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào nữa, nhà phân tích Đông Bắc Á Daniel Pinkston của Đại học Troy tại Seoul, Hàn Quốc, cho biết thậm chí bây giờ Trung Quốc vẫn miễn cưỡng áp đặt những biện pháp mà có thể gây ra sự bất ổn trong khu vực hoặc đưa tới sự sụp đổ của chính quyền Kim Jong Un.
Ông Pinkston nói ông nghĩ rằng Trung Quốc vẫn sẽ giữ nguyên phao cứu sinh cho Bắc Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai nói rằng chế tài không thôi không thể giải quyết được vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và rằng hành động đơn phương chỉ có thể dẫn tới ngõ cụt.
Lựa chọn quân sự
Nhưng Bắc Kinh cũng đang ngày càng khó chịu hơn với Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho, trước đây là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của nước này, đến Bắc Kinh hôm thứ Hai và được nhìn thấy đi vào đại sứ quán của nước này, hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin.
Giáo sư Woo Su-keun ở Đại học Đông Hoa ở Thượng Hải nói rằng Trung Quốc đang ngày càng lo ngại rằng những vụ thử hạt nhân và phi đạn không bị kiểm soát của Bắc Triều Tiên có thể khiêu khích một phản ứng quân sự vào một thời điểm nào đó.
Ông nói:
"Trung Quốc biết rõ rằng Mỹ từng thực hiện những hành động quân sự độc lập nhắm vào Afghanistan và Iraq, vì Mỹ nhận định rằng những nước này có thể là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ trong quá khứ."
Bắc Triều Tiên trước đó trong năm nay đã đe dọa thực hiện những vụ tấn công hạt nhân phủ đầu nhắm vào Mỹ vì tiến hành những cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rằng ông sẽ không bao giờ chấp nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.
Bà Hillary Clinton, ứng cử viên Đảng Dân chủ tranh cử tổng thống Mỹ, cuối tuần trước nói rằng bà sẽ tìm cách áp đặt những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn, nhưng cũng để ngỏ khả năng tái khởi động những cuộc đàm phán quốc tế với Bắc Triều Tiên, nếu bà đắc cử.
Còn ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa, không nói ông sẽ làm gì để kiềm chế Bắc Triều Tiên, nhưng người quản lý chiến dịch của ông Kellyanne Conway nói rằng nếu ông Trump đắc cử thì Bắc Triều Tiên sẽ biết rằng Mỹ "không giỡn chơi."
Ông Trump cũng từng phát biểu rằng ông có thể ủng hộ việc cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình để phòng vệ trước một nước Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.