Đường dẫn truy cập

Vụ tấn công thủy thủ Mỹ cho thấy thái độ bài Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ


Thủy thủ Mỹ trên khu trục hạm USS Ross, Instanbul, ngày 13/11/2014.
Thủy thủ Mỹ trên khu trục hạm USS Ross, Instanbul, ngày 13/11/2014.

Các công tố viên ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Năm đã thả những người biểu tình có chủ trương dân tộc tấn công ba thủy thủ người Mỹ ở Istanbul ngày hôm trước. Vụ việc diễn ra không lâu trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden và vào lúc quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đang căng thẳng. Thông tín viên Dorian Jones tường trình từ Istanbul.

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã trả tự do cho 12 người có chủ trương dân tộc vào sáng sớm ngày thứ Năm và bãi bỏ tất cả những cáo buộc đối với họ. Trước đó họ bị cảnh sát câu lưu vì hành hung ba thủy thủ người Mỹ - lôi kéo xô đẩy họ và ném bong bóng chứa sơn vào người họ trong khi hô to khẩu hiệu chống Mỹ. Những thủy thủ này, tất cả đều là thành viên trên khu trục hạm USS Ross hiện đang ghé thăm Istanbul, thoát thân không hề hấn gì.

Ông Semih Idiz, người phụ trách chuyên mục ngoại giao của báo Taraf ở Thổ Nhĩ Kỳ và của website Al-Monitor nói rằng cả cuộc tấn công lẫn phản ứng của nhà chức trách đều là những dấu hiệu đáng lo ngại về mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Idiz nói: "Có một cảm giác chung trong công chúng và chính giới Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước Mỹ có mặt trong khu vực chẳng qua để theo đuổi chủ đích của riêng mình, trái với lợi ích của các nước trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ là nước đa số theo Hồi giáo, và ở đây cũng có nhận thức là nước Mỹ nhìn chung bài Hồi giáo. Tôi cho rằng khi tất cả những điều này kết hợp lại thì nảy sinh những hành vi kiểu như vậy cũng như có sự châm chước mà chúng ta đang thấy ở đây."

Vụ tấn công, do một nhóm chủ trương dân tộc cực đoan thực hiện có tên là Đoàn Thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ, dường như được dàn dựng bởi những nhà hoạt động để thu hút sự chú ý. Cuộc tấn công được một người trong nhóm người biểu tình quay video lại.

Vụ việc diễn ra không lâu trước chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden.
Vụ việc diễn ra không lâu trước chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden.

Những người tấn công bao vây những người Mỹ ở trung tâm Istanbul và trùm túi lên đầu họ trong một khoảng thời gian ngắn. Khi các thủy thủ phá vòng vây và chạy đến nơi an toàn, những người biểu tình đuổi theo và la lớn: "Yankee cút về nhà!" (Yankee là từ để chỉ người Mỹ)

Nhà chức trách ở Washington nhanh chóng phản ứng. Ngũ Giác Đài nói rằng đó là một vụ tấn công xấu xí, được thực hiện bởi "những tên côn đồ."

Vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ gọi vụ việc là "không thể chấp nhận được," những người tấn công Thổ Nhĩ Kỳ được trả tự do.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki nói: "Chúng tôi ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa, nhưng sự kiện này rõ ràng vượt quá giới hạn, từ biểu tình ôn hòa trở thành bạo lực và đe dọa. Các quan chức Mỹ đang làm việc với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ để điều tra vụ việc này."

Dù Washington lên án, phản ứng từ phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thinh lặng; Bộ Ngoại giao ở Ankara ra một thông cáo ngắn gọn bày tỏ hối tiếc.

Những nhà quan sát ngoại giao nói rằng Washington có thể sẽ không theo đuổi vấn đề này trong bối cảnh Phó Tổng thống Biden sẽ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần sau.

Washington đang gây sức ép để Ankara mở cửa các căn cứ của mình góp phần vào cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo, nhưng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhắm vào những kẻ Hồi giáo cực đoan. Ankara muốn các đồng minh của Mỹ mở rộng hành động quân sự để bao gồm luôn chế độ Assad tại Damascus cũng như những chiến binh Nhà nước Hồi giáo.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki.

Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ báo cáo rằng khảo sát của họ cho thấy tình cảm bài Mỹ đã tăng mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ và giờ 70% người dân có tâm lý như vậy.

Nhà quan sát Idiz cho rằng những nỗ lực ngoại giao sẽ khỏa lấp những khác biệt giữa Washington và Ankara, nhưng ông nói mối thù hằn sâu xa có phần chắc sẽ vẫn còn đó. Ông xem vụ tấn công các thủy thủ Mỹ là một phần trong một xu hướng đáng lo ngại.

Ông Idiz cho biết: "Đây không phải là sự cố đầu tiên. Tôi cho là người Mỹ đã cảnh giác về khả năng xảy ra những sự cố như vậy và tôi nghĩ là kể từ bây giờ họ sẽ cảnh giác hơn, bởi vì khả năng đó vẫn tồn tại và việc nhà chức trách dường như phản ứng nhẹ tay sẽ khuyến khích các sự kiện như vậy. Điều này có thể được lý giải trong bầu không khí chung chống Mỹ đang phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là một thực tế mà các chính trị gia ở Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng."

Với cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng Sáu năm sau, và tình cảm bài Mỹ phổ biến trong không gian công cộng, nhà quan sát cho rằng sự thù hằn của công chúng và thái độ bài bác của chính giới đối với Mỹ sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG