Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng tăng từ nhiều đồng minh phương Tây thì có một nước đang thắt chặt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp. Cho đến gần đây, mối quan hệ giữa hai nước vẫn nguội lạnh, nhưng hai nước đang tìm thấy tiếng nói chung về Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên trong khối NATO, mâu thuẫn với nhiều đồng minh phương Tây về vấn đề Syria và cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên vào tháng trước, Tổng thống Pháp François Hollande tiếp người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, ở Paris và nói rõ rằng cả hai nước có quan điểm tương tự về chiến lược ở Syria.
Cuộc họp này nêu bật mối quan hệ song phương đang phát triển nhanh chóng, theo cây bút bình luận về ngoại giao Kadri Gursel của báo Milliyet và website Al Monitor của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Sau khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mãn nhiệm, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp đã trở nên ít phức tạp hơn. Phải thừa nhận rằng quan hệ song phương giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến triển khá tốt. Về khía cạnh kinh tế, về khía cạnh chính trị và về vấn đề liên quan đến Syria."
Người tiền nhiệm của ông Hollande, Nicolas Sarkozy, khiến Ankara nổi giận vì ngăn chặn nỗ lực xin gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, lập luận rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một nước châu Âu. Quan hệ hai nước tiếp tục trở nên căng thẳng vì ông Sarkozy ủng hộ tuyên bố của Armenia rằng nước Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời đế chế Ottoman đã phạm tội diệt chủng với sắc dân thiểu số người Armenia, một cáo buộc mà Ankara bác bỏ.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trả đũa bằng cách hất các công ty của Pháp ra khỏi các dự án xây dựng quy mô lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. Học giả Sinan Ulgen đến nghiên cứu tại Viện Carnegie ở Brussels nói rằng các công ty Pháp đang hưởng lợi từ mối quan hệ được cải thiện giữa hai nước.
"Một trong những lợi ích rõ ràng cho Pháp từ mối quan hệ nồng ấm này là những công ty của Pháp quan tâm đến những hợp đồng với nhà nước. Điều này sẽ mở cửa cho các công ty của Pháp tiến vào thị trường của Thổ Nhĩ Kỳ theo cách mà trước đây không hề có, trong đó có nhà máy điện hạt nhân thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà công ty hạt nhân của Pháp Ariva có thể sẽ dự phần."
Ông Ulgen nói rằng với những dự án này, ông Hollande sẽ có thể thúc đẩy việc làm tại Pháp. Đối mặt với tỉ lệ ủng hộ thấp kém vào giữa nhiệm kỳ 5 năm của mình, Tổng thống Pháp cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình gần đây rằng ông sẽ không tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai nếu ông không thể làm giảm tỉ lệ thất nghiệp cao dai dẳng hơn 10 phần trăm của đất nước.
Trong khi đó, Paris đang mạnh mẽ ủng hộ lời kêu gọi của Ankara tạo nên những khu vực ẩn náu toàn ở Syria, được bảo vệ bởi một vùng cấm bay. Pháp cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo để nhắm mục tiêu vào chế độ Syria.
Ông Erdogan đã tỏ ra bực bội với chiến lược của liên minh, nói rằng họ đang làm ngơ những hành động khủng bố của chế độ Syria của Tổng thống Assad. Ông nói rằng không thể chiến đấu với Nhà nước Hồi giáo khi liên minh không chống lại chế độ Assad.
Sự nồng ấm trong mối quan hệ Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ đang được củng cố bởi việc Ankara cam kết làm việc chặt chẽ với Pháp trong việc theo dõi những chiến binh thánh chiến người Pháp tìm cách tham gia Nhà nước Hồi giáo. Nhưng nhà nghiên cứu Gursel cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp khó có khả năng đạt được mục tiêu chỉ với hai nước họ.
"Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ không thể giải quyết bất cứ điều gì ở Syria với nhau, nếu không có sự tham gia của Anh và Mỹ, và tất nhiên nếu không có một thỏa thuận bao gồm cả Nga và Iran."
Nhưng các nhà quan sát nói rằng Ankara vẫn sẽ cảm thấy bạo dạn nhờ có được sự ủng hộ của một đồng minh quyền lực trong chính sách đối với Syria, và Thổ Nhĩ Kỳ có phần chắc sẽ củng cố lập trường của mình đối với những đồng minh khác trong cuộc thương thảo về việc chiến đấu với Nhà nước Hồi giáo ra sao.