Các giới chức Bộ Ngoại giao và Ngũ Giác Đài ngày hôm qua đã ra điều trần trước Quốc hội về kế hoạch của chính quyền Obama đóng cửa trại giam tại Vịnh Guantanamo, Cuba. Đây là cuộc điều trần diễn ra một ngày sau những cuộc tấn công khủng bố tại Brussels. Theo tường trình của Thông tín viên Carla Babb của đài VOA từ Ngũ Giác Đài, một số nhà lập pháp cho rằng những cuộc tấn công tại Brussels mới đây và những cuộc tấn công tại Paris hồi năm ngoái có thể thuyết phục các đồng minh châu Âu xét lại lời kêu gọi đóng cửa cơ sở này.
Hơn 85% những người bị giam giữ tại Vịnh Guantanamo, Cuba kể từ năm 2002 đã được chuyển đến các nước khác.
Không tới 100 người còn lại tại đây và chính quyền Obama muốn đóng cửa trại giam này.
Các giới chức chính quyền nói các hình ảnh nhà tù, còn được gọi là Gitmo, nhắc nhở đến hình phạt trấn nước được Hoa Kỳ cho phép và những vụ giam giữ dài hạn không đưa ra xét xử.
Ông Paul Lewis, đặc sứ của Bộ Quốc phòng Mỹ về Guantanamo nói:
“Các quốc gia trên toàn thế giới và đồng minh của chúng ta nói với chúng ta là Gitmo làm tổn thương chúng ta. Bằng cách đóng cửa Gitmo, chúng ta giải quyết được quan tâm của thế giới.”
Không đưa ra chi tiết, ông Lewis công nhận là người Mỹ đã bị giết hại dưới tay những người từng bị giam giữ ở Guantanamo trở lại chiến trường.
“Khi một người nào đó thiệt mạng thì đây là một thảm kịch, và chúng ta không muốn ai chết vì chúng ta chuyển giao các tù nhân.”
Nhưng ông Lewis nói chính quyền Obama và những chính quyền trước đó tin rằng tầm quan trọng của việc đóng cửa Gitmo vượt quá những rủi ro khi vẫn mở cửa trại giam này.
Các nhà lập pháp Cộng hòa tin rằng trại giam này vẫn quan trọng hơn bao giờ hết.
Dân biểu Dana Rohrabacher thuộc đảng Cộng hòa nói:
“Họ rất bất mãn đối với chúng ta vì việc chúng ta giam giữ những kẻ khủng bố giết người vô tội là một công cụ tuyển mộ. Tôi nghĩ công cụ tuyển mộ lớn hơn là khi chính phủ chúng ta, đặc biệt là chính quyền hiện nay, bị coi như một chính quyền yếu kém.”
Theo các báo cáo tình báo, chưa đầy 5% những tù nhân tại Gitmo được chuyển đến các nước khác dưới thời chính quyền Obama đã trở lại hoạt động khủng bố.
Nhưng một số nhà lập pháp lo ngại là những nước đã nhận các tù nhân Gitmo, như Ghana và Uruguay, không thể theo dõi những người này một cách thích đáng.
Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Uỷ ban Ngoại giao Hạ viện nói:
“Ghana là một nơi tuyệt vời. Đây là một đất nước tuyệt vời. Nhưng sự thực là nước này không có các lực lượng tình báo hay các dịch vụ thực thi công lực hàng đầu để đối phó với loại vấn đề như vậy.”
Trong khi có thêm các tù nhân hội đủ điều kiện để được chuyển đi, thì tiến trình đóng hay mở cửa Gitmo vẫn còn là vấn đề tranh cãi sôi nổi. Dân biểu Eliot Engel thuộc đảng Dân chủ nói:
“Hiện nay tôi không muốn trả tự do cho những người nào có tội, nhưng tôi cũng không muốn giam giữ tù nhân năm này qua năm khác mà không đưa ra xét xử.”
Dân biểu Cộng hòa Dana Rohrabacher có phản ứng ngược lại.
“Nếu cứu được một em nhỏ có thể bị nổ tung vì bom do một kẻ nào đó được thả, thì tốt hơn là giữ tất cả 90 người này ở lại Gitmo.”
Giải pháp chuyển tù nhân tại Guantanamo vào lãnh thổ Mỹ vẫn còn là một vấn đề trái với luật pháp Mỹ.