Đường dẫn truy cập

Bà Clinton: Vụ Benghazi cho thấy bất ổn vì khủng bố ở Châu Phi


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton điều trần trước Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện về vụ tấn công ở Benghazi, Libya, ngày 23/1/2013.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton điều trần trước Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện về vụ tấn công ở Benghazi, Libya, ngày 23/1/2013.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố vụ tấn công hồi tháng 9 năm ngoái vào lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Benghazi của Libya nằm trong khuôn khổ một tình trạng bất ổn rộng lớn hơn do khủng bố gây ra ở khắp Bắc Phi. Bà Clinton đã ra điều trần trước Quốc hội hôm qua về những gì bà đang làm để ngăn chặn một vụ tấn công như thế xảy ra trong tương lai. Thông tín viên VOA Scott Stearns tại Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Ngoại trưởng Clinton nói vụ tấn công vào phái bộ Hoa Kỳ ở Benghazi gây thiệt mạng cho 4 người Mỹ, trong đó có ông Ðại sứ, nằm trong khuôn khổ một thách thức chiến lược rộng lớn hơn trong cuộc chiến chống khủng bố.

Bà Clinton nói: “Các cuộc cách mạng Ả Rập đã gây rối loạn động năng quyền lực và làm tan rã các lực lượng an ninh trong khắp khu vực. Và tình trạng bất ổn tại Mali đã tạo ra một nơi trú ẩn an toàn ngày càng mở rộng hơn cho các phần tử khủng bố tìm cách bành trướng ảnh hưởng và âm mưu thêm các vụ tấn công thuộc loại chúng ta đã chứng kiến chỉ mới tuần trước ở Algeria.”

Bà Clinton nói với các nhà lập pháp rằng bà đã nhận được tất cả các đề nghị của một ban xét duyệt độc lập, và 85% các đề xuất sẽ được hoàn tất truớc cuối tháng 3.

Bà Clinton nói tiếp: “Chúng tôi đang xét lại từ đầu đến cuối và suy ngẫm lại về cách thức tiến hành các quyết định về nơi chốn, thời điểm và phương sách người của chúng tôi hoạt động tại các khu vực bị đe dọa ở mức cao, và cách thức đáp ứng với những nguy cơ và khủng hoảng.”

Hậu quả chính trị do cách đáp ứng với vụ bạo động ở Benghazi đã tập trung vào Ðại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Susan Rice, người đã cho thực hiện một loạt các cuộc phỏng vấn ít lâu sau khi xảy ra vụ tấn công – liên kết vụ này với các cuộc biểu tình Hồi giáo, chứ không phải là một vụ tấn công khủng bố.

Thượng nghị sĩ John McCain gọi sự kiện đó là “không thể chấp nhận được.”

Ông McCain nói: “Dân chúng Mỹ có quyền được giải đáp. Và chắc chắn họ không muốn có những câu trả lời sai sự thực. Và những câu đáp dành cho dân chúng Mỹ vào ngày 15 tháng 9 của đại sứ tại Liên Hiệp Quốc là sai sự thực.”

Ông McCain nói Ngoại trưởng Clinton phải cởi mở và thông tin rõ ràng hơn về những gì thực sự đã xảy ra tại Benghazi.

Ông McCain nói tiếp: “Có nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Và nói thẳng ra, câu trả lời mà bà đưa ra sáng nay chưa thỏa đáng đối với tôi.”

Bà Clinton nói đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý là điều quan trọng hơn là xác định các động cơ của họ.

Bà Clinton nói: “Thực tế là chúng ta đã có 4 người Mỹ thiệt mạng. Phải chăng đó là vì một cuộc biểu tình hay bởi vì những kẻ đi bộ ngoài đường vào một đêm đã đi đến quyết định giết một số người Mỹ? Vấn đề có gì khác vào thời điểm này? Công việc của chúng ta là tính xem chuyện gì đã xảy ra và làm tất cả mọi thứ có thể được để ngăn chặn việc đó đừng bao giờ xảy ra thêm một lần nữa.”

Bà Clinton nói bà cần sự giúp đỡ của Quốc hội để chứng kiến cuộc chuyển tiếp qua thể chế dân chủ ở Libay đi đến một kết cục tốt đẹp.

Bà Clinton nói: “Ngay lúc này, Libya vẫn còn rất nguy hiểm. Nước này vẫn còn đang ở trong một tình trạng rất bấp bênh. Và bất cứ điều gì chúng ta có thể làm cho họ thì ít nhất chúng ta phải đồng ý làm và ra mặt thực hiện.”

Chuyên gia phân tích Malou Innocent của Viện Cato nói các thách thức đối với Hoa Kỳ ở Libya là rất to lớn.

Bà Innocent nhận xét: “Sắp tới, chúng ta vẫn sẽ thấy một mức độ hỗn mang ở bên trong Libya ngay cả khi được phủ một lớp sơn dân chủ Tây phương.”

Theo bà Innocent, vào lúc khởi đầu nhiệm kỳ thứ nhì, Tổng thống Obama đang tìm cách đẩy lùi vụ bạo động Benghazi vào quá khứ.

Bà Innocent nói: “Chính quyền Obama đang tìm cách cứu vãn bất cứ cái gì có thể được qua chiến dịch ở Libya nhưng không can thiệp quá mạnh bằng lực lượng trên bộ hay bất cứ hoạt động nào có tính cách xây dựng quốc gia.”

Cho dù có thể làm bất cứ điều gì để giảm thiểu các mối đe dọa đối với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở nước ngoài, Ngoại trưởng Clinton cho rằng họ chấp nhận một mức độ rủi ro trong công tác của mình và không thể làm việc trong những hầm trú ẩn.

Tăng cường an ninh tại các đại sứ quán Hoa Kỳ
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:39 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG