Một tòa án ở Hà Nội hôm 22/1 đã kết án một cựu ủy viên Bộ Chính trị 13 năm tù và một quan chức ngành năng lượng tù chung thân vì phạm tội tham ô và “cố ý làm trái”, theo báo chí nhà nước.
Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam loan tin rằng ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, cũng là chính trị gia cấp cao nhất từng bị xét xử trong nhiều thập kỷ, nhận án tù 13 năm do “cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhận án chung thân cho cả tội tham ô lẫn cố ý làm trái.
Trước phiên tòa ít lâu, Đức nói các đặc vụ Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh tại một công viên ở Berlin. Việt Nam phủ nhận cáo buộc đó, nói rằng ông Thanh đã “tự thú”. Vụ này đã làm căng thẳng quan hệ hai nước.
Cùng bị kết án với hai ông Thăng, Thanh hôm 22/1 là 20 bị cáo khác cũng vi phạm pháp luật trong một dự án nhiệt điện của PVN, gây thiệt hại 119 tỉ đồng, tương đương 5 triệu đôla. Mức án dành cho những người này là từ án treo cho đến 22 năm tù giam.
Dự kiến sẽ còn các phiên xét xử khác trong năm nay, một phần của chiến dịch do Đảng Cộng sản chỉ đạo nhắm vào các sai phạm và quản lý yếu kém. Ngoài vụ án đã được đưa ra xét xử hôm 22/1, cả hai ông Thăng, Thanh đều bị truy tố vì các vụ tham nhũng khác nữa.
Một số nhà bình luận cho rằng hoạt động trấn áp này còn có động cơ chính trị, mà theo họ là nhắm vào những người thân cận của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi lực lượng an ninh bảo thủ của Việt Nam gia tăng ảnh hưởng từ năm 2016, sau một cuộc đấu quyền lực trong đảng.
Các phóng viên nước ngoài không được vào phòng xử án, và cũng không được theo dõi gián tiếp qua đường truyền video ở một phòng khác như các phóng viên Việt Nam.
Ở bên ngoài tòa án, hơn 100 người Việt Nam tụ tập khi tòa tuyên án. Một viên chức nhà nước nghỉ hưu nói ở bên ngoài tòa rằng bản án thể hiện sự nghiêm minh đúng mức.
Người đã về hưu có tên Hoàng Đình Thanh, 70 tuổi, nói: “Tôi nghĩ đó là bản án công bằng. Đất nước cần phải chống tham nhũng”.
Một số người tỏ ý thông cảm với ông Thăng vì những việc tốt ông đã làm cho đất nước. Bà Hoàng Thị Hà, một chủ cửa hàng, 42 tuổi, nói: “Tôi hiểu là những người mắc sai phạm phải bị trừng phạt. Nhưng ông Thăng đã làm nhiều việc tốt cho đất nước. Tôi từng mong ông ấy được khoan hồng vì ông ấy có công. Án tù dành cho ông ấy hơi nặng”.
Giáo sư Jonathan London, giảng viên Đại học Leiden ở Hà Lan, cũng là một chuyên gia về Việt Nam, nói cần có thêm các cải cách và quyết tâm của chính quyền cộng sản để triệt tận gốc nạn tham nhũng.
Muốn chống tham nhũng thật sự, muốn hạn chế triệt để những tham nhũng, phải xây dựng một thể chế thật sự dân chủ, thật sự minh bạch, tam quyền phân lập, độc lập tư pháp, báo chí phải tự do.Blogger Trương Duy Nhất
Ông nói tuy những bản án tù như thế này có thể gây chấn động, nhưng lịch sử ở các nước khác cho thấy về lâu dài cách tốt nhất để chống tham nhũng không phải là bằng hình phạt. Thay vào đó, theo ông, “Đó chính là cải cách thể chế và mức độ cam kết về minh bạch mà công chúng Việt Nam lâu nay vẫn kêu gọi, trong khi đáng tiếc là các nhà lãnh đạo Việt Nam lâu nay vẫn chưa sẵn sàng áp dụng”.
Đây cũng là quan điểm mà cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất chia sẻ với VOA trong một cuộc phỏng vấn về phiên tòa xét xử các ông Thăng, Thanh. Blogger chuyên bình luận về chính trị, xã hội Việt Nam nói:
/Act Nhat 0122/
“Muốn chống tham nhũng thật sự, muốn hạn chế triệt để những tham nhũng, phải xây dựng một thể chế thật sự dân chủ, thật sự minh bạch, tam quyền phân lập, độc lập tư pháp, báo chí phải tự do”.
Mặc dù vậy, ông Nhất cũng đưa ra quan điểm có tính thực tiễn là để đạt những điều đó ở Việt Nam, phải “phấn đấu dần dần”.
Ông nói việc “thanh trừng, đưa ra khỏi bộ máy những kẻ ăn tàn phá hại” mà nhà chức trách Việt Nam đã và đang làm trong hơn một năm rưỡi trở lại đây là việc cần thiết trong quá trình đó. Ông đưa ra hình ảnh ẩn dụ là muốn “thiết kế lại, trang hoàng lại một cái nhà”, việc cần làm trước hết là “dọn rác rưởi ra khỏi cái nhà đó đã”.
Cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam từng tập trung vào hai ngành ngân hàng và năng lượng, nhưng gần đây đã mở rộng sang các lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản và đảng bộ các tỉnh.
Bên cạnh vụ án vừa kết thúc xét xử hôm 22/1, ông Đinh La Thăng còn bị truy tố về vai trò trong việc PVN mua cổ phần trị giá 36 triệu đôla của ngân hàng Ocean Bank. PVN đã mất sạch khoản đầu tư này. Dự kiến phiên xét xử liên quan đến vụ Ocean Bank sẽ diễn ra trong những tháng tới.
Ông Trịnh Xuân Thanh sẽ sớm ra tòa trở lại hôm 24/1 trong một vụ án khác, với cáo buộc tham ô hơn 600.000 đôla từ một dự án bất động sản.
(Reuters, AP, VOA)