Đường dẫn truy cập

Có người dân tự nguyện đi tù thay cho ông Đinh La Thăng


Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đề nghị mức án 14-15 năm tù hôm 10/1 đối với ông Đinh La Thăng.
Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đề nghị mức án 14-15 năm tù hôm 10/1 đối với ông Đinh La Thăng.

Một số người dân tự nguyện muốn đi tù thay cho ông Đinh La Thăng, người đang bị Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đề nghị mức án 14-15 năm tù hôm 10/1.

Một người dân ở thành phố Hồ Chí Minh nói với VOA hôm 12/1 rằng ông bất bình với cách chính quyền Việt Nam xét xử ông Thăng và sẵn sàng đi tù thay cho ông Thăng nếu luật pháp Việt Nam cho phép:

“Trong tâm tư của nhiều người, họ cũng như tôi nghĩ rằng vụ này là vô lý và tôi nếu có thể tôi sẽ đi tù thay cho ông Thăng. Bây giờ ở ngoài tòa người ta cứ xử lòng vòng theo ý đồ đã định sẵn, chắn chắn là kết quả không có gì thay đổi hết. Tôi muốn nói rằng tôi muốn đi tù thay cho ông Thăng bởi vì đơn giản là tôi muốn phản ứng lại cách mà người ta xử ông Thăng tại tòa án.”

Trong tâm tư của nhiều người, họ cũng như tôi nghĩ rằng vụ này là vô lý và tôi nếu có thể tôi sẽ đi tù thay cho ông Thăng.
Một người yêu cầu không nêu tên nói với VOA hôm 12/1/2018.

Ông Thăng, cựu Ủy viên Bộ chính trị, bị cáo buộc về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”

Hôm 11/1, Luật sư Phan Trung Hoài, một trong ba luật sư bào chữa cho ông Thăng, nói với báo Tuổi trẻ rằng ông cảm thấy bất ngờ với bản luận tội của Viện Kiểm sát vì có nhiều nội dung không giống với bản cáo trạng, trong đó có hành vi gây thiệt hại cho nhà nước được cho là tăng thêm nhiều lần do dự án chậm tiến độ, hay việc ông Thăng đã lợi dụng cơ chế đặc thù chính phủ dành cho PetroVietnam (PVN) để gây lợi ích nhóm.

Tờ báo này cho biết trong phần bào chữa cho ông Thăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đã gửi đến hội đồng xét xử một số tài liệu là thư của người dân gửi cho ông Thăng sau khi ông bị khởi tố, bắt tạm giam.

Luật sư Thiệp nói: "Trong những tài liệu này, có những người chỉ là người dân bình thường thôi. Họ đã viết những lá thư ngỏ rất cảm động, họ liệt kê những gì ông Thăng làm và nếu có thể, họ muốn đi tù thay cho ông Thăng để ông Thăng được trở về làm việc."

Ông Đinh La Thăng (phải) khi còn là Bí thư Thành ủy TP. HCM tiếp Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry, tháng 5/2017.
Ông Đinh La Thăng (phải) khi còn là Bí thư Thành ủy TP. HCM tiếp Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry, tháng 5/2017.

​Một người dân yêu cầu không nêu tên nói với VOA rằng tòa cần xem xét những nỗ lực của ông Thăng trong một quá trình dài nhằm để có một mức án phù hợp nhất:

“Từ thời làm Chủ tịch PVN, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đến thời làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Thăng có nhiều ưu điểm mà mọi người cảm thấy thích ổng. Vì vậy cho nên phải đánh giá theo cả quá trình. Tôi nghĩ có nhiều người nghĩ rằng ông Thăng không phải là người xấu.”

Từ thời làm Chủ tịch PVN, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đến thời làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Thăng có nhiều ưu điểm mà mọi người cảm thấy thích ổng.
Một người yêu cầu không nêu tên nói với VOA hôm 12/1/2018.

Ông Đinh La Thăng xin ‘xem xét bối cảnh’

Đề nghị án chung thân trong đại án Thăng - Thanh

Trước đó, báo chí Việt Nam trích lời luật sư Thiệp nói tại tòa rằng không đủ căn cứ để buộc tội ông Thăng tội "cố ý làm trái", bởi không có bằng chứng nào trong 64.000 trang tài liệu thể hiện sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng trong việc chỉ định thầu, chỉ đạo tạm ứng trái quy định.

Các luật sư của ông Đinh La Thăng cho rằng ông "cố ý làm trái" là vì mục tiêu bảo đảm tiến độ và hiệu quả đối với dự án, hoàn toàn không có động cơ tư lợi, cá nhân.

Ông Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát chính trị Việt Nam nói với VOA rằng việc ông Đinh La Thăng thừa nhận “trách nhiệm của người đứng đầu” cần được hiểu cho đúng, nhất là khi trước đó ông Thăng khai việc chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên PVN là “do chủ trương của Bộ Chính trị.”

Các nhà quan sát nói với VOA rằng cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng không dừng lại ở vụ ông Đinh La Thăng và hơn 20 bị can khác trong vụ án này, giữa lúc ông Thăng khai rằng một quyết định gây tranh cãi hiện nay từng được cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “chấp thuận.”

Đại án PVN là một phần trong cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà báo chí quốc tế và một số nguồn dư luận trong nước cho rằng nguyên nhân đằng sau là nhằm tiêu diệt phe của ông Dũng trong bộ máy cầm quyền.

Vụ xử Thăng – Thanh: Tổng Trọng vươn xa tới đâu?

Người dân tự nguyện đi tù thay Đinh La Thăng
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:34 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG