Stephanie Murphy, người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử vào Quốc hội Hoa Kỳ năm 2016, hiện đang tái tranh cử cho nhiệm kì thứ hai đại diện Địa hạt Quốc hội 7 ở bang Florida.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA, bà kể lại trải nghiệm của bà trong hai năm đầu tiên làm dân biểu tại Hạ viện và giải thích vì sao bà đang nỗ lực thúc đẩy nó thay đổi. Bà nêu lập trường về nhiều vấn đề lập pháp khác mà bà quan tâm sâu sắc và cũng bình luận về hoạt động của Mỹ tại Biển Đông.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Anh qua điện thoại vào ngày 29 tháng 10. Toàn bộ nội dung phỏng vấn ở đây:
Tôi muốn bắt đầu cuộc trò chuyện với loạt câu hỏi đầu tiên về tình hình cuộc đua tranh cử của bà. Bà có tin tưởng là bà sẽ tái đắc cử không?
Chúng tôi đang cật lực làm việc để bảo đảm là chúng tôi huy động được cử tri đi bỏ phiếu ở đây trong tám ngày còn lại trước cuộc bầu cử.
Các cuộc khảo sát ý kiến nội bộ của bà cho thấy gì? Bà có thể chia sẻ kết quả khảo sát được không?
Anh biết gì không, chúng tôi chưa có cuộc khảo sát ý kiến nào dạo gần đây đáng để chia sẻ, nhưng tôi sẽ nói với anh là cử tri, không phải các cuộc khảo sát ý kiến, mới giúp thắng cử. Vì thế đó là lí do vì sao chúng tôi đang tập trung vào việc bảo đảm là cử tri sẽ xuất hiện và bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này.
Tại sao bà là dân biểu tốt hơn cho Địa hạt 7?
Tôi tập trung vào công ăn việc làm, an ninh và bình đẳng và vẫn đang làm việc trong nhiệm kì đầu tiên của tôi để phục vụ cộng đồng này. Và tôi được nêu tên là thành viên làm việc hữu hiệu nhất trong nhóm dân biểu mới vào Hạ viện cũng như là một trong những nghị sĩ thường hay hợp tác lưỡng đảng nhất. Tôi làm việc chăm chỉ để bảo đảm rằng tôi có thể thăng tiến những lợi ích của cộng đồng của tôi.
Bà nói trong một trong những quảng cáo của bà là “đã đến lúc Washington cũng bắt đầu làm việc.” Từ quan điểm của bà trong tư cách nhà lập pháp nhiệm kì đầu, như thế nào là không làm việc vì người dân?
Tôi nghĩ rằng vẫn còn quá nhiều những nhóm lợi ích và quá nhiều bế tắc vì đấu đá đảng phái. Tôi nghĩ chúng tôi phải hướng tới làm việc cùng nhau hữu hiệu hơn và gửi dân biểu đến Washington để làm việc thay mặt những người đã bầu chọn họ chứ không phải tìm cách thu vén cho đầy túi riêng. Đó là lí do tại sao tôi giới thiệu Đạo luật Niềm tin vào Quốc hội để ngăn các thành viên Quốc hội trở thành những người vận động hành lang. Và nó cũng cắt giảm một số đặc quyền như đi máy bay khoang hạng nhất bằng tiền của người đóng thuế, những thứ giống như vậy, để các thành viên Quốc hội phục vụ những người đã bầu chọn họ.
Đối thủ [Đảng Cộng hòa] của bà đang liên kết bà với [Lãnh đạo Dân chủ Thiểu số Hạ viện] Nancy Pelosi, nói rằng bà biểu quyết thuận theo bà ấy “nhiều hơn 90 phần trăm.” Tôi kiểm tra lại và con số này thực ra là 87. Nhưng bà cũng biểu quyết thuận theo [Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa] Paul Ryan 42 phần trăm. Bà có thể nêu ví dụ về một luật quan trọng mà bà đã biểu quyết trái với đảng của bà không? Điều gì khiến bà biểu quyết như vậy?
Liên quan đến chăm sóc y tế cho cựu chiến binh, điều hết sức quan trọng đối với tôi là bảo đảm rằng chúng tôi cung cấp sự chăm sóc y tế tốt nhất cho các cựu chiến binh. Tôi là một trong số ít những thành viên của Đảng Dân chủ đã biểu quyết ủng hộ một dự luật cho Bộ Sự vụ Cựu Chiến binh nhiều linh hoạt hơn trong việc quản lí nhân sự, để bảo đảm rằng những người giỏi nhất đứng ở tuyến đầu phục vụ các cựu chiến binh của chúng ta.
Trong khi đang nói về chủ đề Nancy Pelosi tôi phải hỏi bà điều này: bà có bầu cho bà ấy làm chủ tịch Hạ viện không nếu phe Dân chủ giành lại Hạ viện?
Tôi đã nêu rõ rằng tôi sẽ bầu theo những yêu sách đề ra trong Dự án Break the Gridlock (Phá vỡ Bế tắc) mà về cơ bản nói rằng chúng tôi đang tìm kiếm một số thay đổi trong cách thức mà Hạ viện được điều hành để khuyến khích thêm sự hợp tác lưỡng đảng. Và vì vậy ứng viên chủ tịch Hạ viện nào sẵn lòng chấp nhận những thay đổi đó thì sẽ là người mà tôi bầu chọn.
Tôi có một hai câu hỏi về an ninh quốc gia vốn là lĩnh vực chuyên môn của bà. Và đây cũng là điều mà nhiều người Việt Nam quan tâm. Mỹ đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông với nhiều hoạt động tự do hàng hải hơn cũng như những chuyến bay ngang để thách thức hành vi hung hăng của Trung Quốc tại đó. Theo quan điểm của bà trong tư cách một chuyên viên an ninh quốc gia, liệu Mỹ có nên tiếp tục làm việc này không?
Việc bảo vệ quyền tự do hàng hải là cực kì quan trọng. Nó cho phép thương mại quốc tế được tiếp tục và tôi nghĩ đó là một vai trò quan trọng mà Mỹ cần tiếp tục hỗ trợ.
Liệu bà có biểu quyết luận tội Tổng thống Trump không nếu bà thấy có bằng chứng khả tín về sự thông đồng từ cuộc điều tra của [Công tố viên Đặc biệt Robert] Mueller?
Tôi tin rằng khi chúng ta nói về việc luận tội, phải có chứng cứ không thể chối cãi đáp ứng được ngưỡng trọng tội và hành vi bất chính đáng trước khi chúng ta nên xem xét bàn tới việc luận tội.
Hãy nói về bạo lực súng ống. Hai ngày trước [27 tháng 10], 11 người bị sát hại trong một giáo đường Do Thái trong vụ việc được mô tả là cuộc tấn công bài Do Thái làm chết nhiều người nhất trong lịch sử nước Mỹ. Bà nói bạo lực súng ống đã trở thành một "vấn đề y tế công ảnh hưởng đến rất nhiều sinh mạng trong cộng đồng của chúng ta." Xin bà giải thích vấn đề y tế công này nghiêm trọng tới mức nào. Bà có nghĩ tầng lớp chính trị Washington có thể làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn những thảm kịch như thế này xảy ra lần nữa không?
Tôi nghĩ điều thiết yếu là các quan chức công cử phải làm nhiều hơn nữa để giữ cho các cộng đồng của chúng ta được an toàn hơn trước tình trạng bạo lực súng ống. Và điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết vấn đề này một cách phi đảng phái. Vì bạo lực súng ống xảy ra trên khắp đất nước này chứ không chỉ trong các vụ xả súng hàng loạt hay những vụ thu hút sự chú ý của báo chí mà còn trong những sinh hoạt hàng ngày của nhiều cộng đồng. Và điều quan trọng là các quan chức công cử phải giải quyết vấn đề đó. Tôi tự hào nói rằng tôi đã dẫn đầu sáng kiến dỡ bỏ một lệnh cấm 22 năm về nghiên cứu bạo lực súng ống, và tôi nghĩ rằng đó là bước đi đúng hướng để chúng ta có đầy đủ dữ kiện để từ đó soạn luật về bạo lực súng ống và an toàn súng ống.
Đầu năm nay, bà đã đưa được những ngôn từ vào trong gói chi tiêu mà sẽ “mở đường cho Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật (CDC) tài trợ những nghiên cứu dựa trên bằng chứng về các cách thức giảm bạo lực súng ống.” Nhưng các quan chức y tế công cộng và cựu quan chức CDC nói rằng, sẽ không có tiến bộ nào đạt được trừ phi Quốc hội thực sự phân bổ ngân quỹ cho những nghiên cứu đó. Gói chi tiêu đã thông qua vào tháng 3. Kể từ khi đó có bất cứ ngân quỹ nào được phân bổ riêng cho nghiên cứu bạo lực súng ống của CDC chưa?
Không có ngân quỹ cụ thể nhưng CDC có ngân quỹ mà có thể được dùng cho nghiên cứu bạo lực súng ống theo một số chương trình khác mà họ có.
Bà có thấy bất kì tiến bộ nào về vấn đề này chưa?
Tôi tin là giờ chúng ta đã có thể nêu rõ rằng nghiên cứu về bạo lực súng có thể được tiến hành, chúng ta cần phải bắt đầu sử dụng các nguồn lực đó và bắt đầu thực hiện những nghiên cứu này.
Nếu bà tái đắc cử, bà sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề này trên nghị trình của bà chứ? Và đẩy mạnh đến mức nào?
Tôi tin rằng tôi đại diện một cộng đồng bị ảnh hưởng sâu sắc vì bạo lực súng ống với vụ xả súng tại hộp đêm Pulse [vào năm 2016] và vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục vận động cho các biện pháp an toàn súng ống hợp lí.
Hãy nói về các cử tri người Việt của bà. Bà đã nói chuyện với bất kì cử tri người Việt nào trong địa hạt của bà chưa? Họ nói gì với bà?
Có. Họ quan tâm về cùng những vấn đề mà những cử tri khác trong địa hạt của tôi quan tâm. Họ muốn bảo đảm rằng có việc làm được trả lương cao và một nền kinh tế tạo điều kiện cho tất cả mọi người. Họ muốn bảo đảm rằng các cộng đồng của chúng tôi được an toàn khỏi bạo lực súng ống và họ muốn bảo đảm rằng có một cơ hội bình đẳng để hiện thực hóa giấc mơ Mỹ.
Khi bà nghĩ về địa vị của bà hôm nay, nữ nghị sĩ Quốc hội người Mỹ gốc Việt đầu tiên đang tranh cử cho một nhiệm kì thứ hai, bà cảm thấy thế nào về điều đó?
Dĩ nhiên tôi tự hào là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Quốc hội nhưng tôi tin rằng đó là một bước đi đúng hướng để bảo đảm rằng nền dân chủ đại nghị của chúng ta thực sự đại diện sự đa dạng của đất nước vĩ đại này.
Bà là một nhà lập pháp nữ trẻ tuổi thuộc sắc dân thiểu số, một người có khuynh hướng hợp tác lưỡng đảng thay vì theo đuổi ý thức hệ. Sự nghiệp chính trị của bà vừa mới bắt đầu. Bà đã bao giờ hình dung mình ở một vị trí lãnh đạo nào đó trong Đảng Dân chủ chưa?
Anh biết đấy, bây giờ tôi đang tập trung phục vụ cử tri của mình và vượt qua cuộc bầu cử sắp tới. Đó là trọng tâm của tôi vào lúc này.
Bà sẽ cân nhắc tranh cử một vị trí cao hơn vào lúc nào đó trong tương lai chứ?
Anh biết đấy, tôi không hề nghĩ mình sẽ tranh cử vào Quốc hội mà giờ tôi đang làm dân biểu đây. Không bao giờ biết được cuộc đời sẽ đưa đẩy thế nào đâu.
Xin cảm ơn Nghị sĩ Murphy trả lời cuộc phỏng vấn này.