Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin cập nhật về 3 nhà máy điện hạt nhân nằm sát biên giới với Việt Nam mới đi vào hoạt động sau khi các chuyên gia lên tiếng lo ngại về sự an toàn của các nhà máy này.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 13/10 cho biết “Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc sớm cùng với Việt Nam xây dựng cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên về các dự án điện hạt nhân này.”
Theo truyền thông trong nước đưa tin, Trung Quốc đã xây 3 nhà máy điện hạt nhân gần biên giới Việt Nam và vừa đưa vào hoạt động những tổ máy đầu tiên. Một trong các nhà máy đó là nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành ở Quảng Tây, chỉ cách thành phố Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh khoảng 50km. Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang trên đảo Hải Nam cách đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng hơn 100km và nhà máy điện hạt nhân Trường Giang ở Quảng Đông cách biên giới Việt Nam khoảng 200km.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo thường niên của bộ Ngoại giao tại Hà Nội hôm 13/10, ông Lê Hải Bình nói Việt Nam kêu gọi các nước xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân phải đảm bảo tuân thủ công ước an toàn hạt nhân và các quy định của Cơ quan Nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc, và “bảo đảm không ảnh hưởng đến an toàn và môi trường của các nước láng giềng.”
Tuy nhiên các chuyên gia về năng lượng của Việt Nam đã bày tỏ lo ngại trước những rủi ro có thể xảy ra khi các nhà máy của Trung Quốc được đặt ngay ‘sát vách’ với Việt Nam. Họ cho rằng cần sớm có mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ.
Thứ trưởng bộ Khoa học & Công nghệ Phạm Công Tạc được Dân Trí trích lời cho rằng với khoảng cách 50 km (từ nhà máy điện hạt nhân gần biên giới nhất của Trung Quốc) thì không có nghĩa lý gì nếu có sự cố xảy ra. Ông so sánh với sự cố ở nhà máy Fukushima của Nhật Bản năm 2011 khi vừa xảy ra thì ngay lập tức ở Việt Nam đã đo được phóng xạ.
Các chuyên gia quốc tế cũng đưa ra những lo ngại tương tự.
Một nhà nghiên cứu của Viện Năng lượng của trường đại học London, Paul Dorfman, bày tỏ lo ngại về nguy cơ đối với Việt Nam vì không ai rõ “độ an toàn của các lò phản ứng của Trung Quốc và không rõ chúng được vận hành như thế nào”, theo VNExpress.
Dân Trí tường thuật rằng viện phó Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Nguyễn Hào Quang cho biết việc xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ là rất cấp bách khi “tình hình phát triển điện hạt nhân của Trung Quốc rất là mạnh gần với các tỉnh biên giới phía bắc.”
Ông Hào nói mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ nên tập trung ở các tỉnh phía bắc để có thể quan trắc được những ảnh hưởng khi xảy ra các sự cố từ các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Trung Quốc hiện có 35 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và 20 lò khác đang trong thời gian hình thành.
Bản thân Việt Nam cũng đang có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở tỉnh miền Trung Ninh Thuận với sự trợ giúp về kỹ thuật của Nga và Nhật Bản. Nhưng sau sự cố Fukushima năm 2011, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các ngành có liên quan xem xét lại toàn bộ các biện pháp an toàn. Năm ngoái chính phủ quyết định hoãn việc xây dựng nhà máy đầu tiên cho tới năm 2020.