Đường dẫn truy cập

Việt Nam dừng dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên


Tư liệu - Nhà máy điện hạt nhân Tsuruga của hãng Japan Atomic Power ở Tsuruga, tỉnh Fukui, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo)
Tư liệu - Nhà máy điện hạt nhân Tsuruga của hãng Japan Atomic Power ở Tsuruga, tỉnh Fukui, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo)

Quốc hội Việt Nam hôm 22/11 đã bỏ phiếu dừng dự án xây hai nhà máy điện hạt nhân trị giá nhiều tỷ đôla với Nga và Nhật Bản, sau khi các quan chức nêu ra dự báo về nhu cầu thấp hơn, chi phí gia tăng và ngày càng có nhiều quan ngại về độ an toàn.

Cuộc bỏ phiếu về việc dừng dự án năng lượng hạt nhân đầu tiên của Việt Nam là một đòn mạnh đối với ngành năng lượng hạt nhân trên thế giới cũng như đối với nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để bắt đầu xuất khẩu các lò phản ứng sau khi thảm họa Fukushima làm cho ngành hạt nhân của Nhật Bản bị đình trệ.

Quyết định của Việt Nam được đưa ra trong một phiên họp kín sau khi thảo luận về một đề án của chính phủ vào hồi đầu tháng này. Chính phủ đã ra một tuyên bố để công bố quyết định.

Hồi tháng 11/2009 Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch về hai nhà máy và trao hợp đồng xây dựng cho hãng Rosatom của Nga và một tổ hợp các công ty Nhật Bản đứng đầu là hãng điện tư nhân Japan Atomic Power.

Việc dừng dự án là một bước lùi nữa đối với ngành công nghiệp hạt nhân khi các nước từ Đức cho đến Indonesia đã quyết định rút khỏi năng lượng hạt nhân hoặc hủy bỏ các kế hoạch xây nhà máy sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào năm 2011, đó là vụ tồi tệ nhất trên thế giới kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986.

Các nhà máy hạt nhân của Nhật Bản và Nga dự kiến được đặt ở giữa tỉnh Ninh Thuận.

Chúng sẽ có tổng công suất 4.000 MW. Lò phản ứng số 1 của nhà máy Ninh Thuận 2 ban đầu có dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2021, tiếp theo là lò số 2 vào năm 2022, cả hai sẽ do các công ty Nhật Bản cung cấp. Các lò phản ứng của Rosatom tại nhà máy Ninh Thuận 1 được dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2020.

VOA Express

XS
SM
MD
LG