Sau khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” hôm 3/12, nhà chức trách Việt Nam hôm 4/12 gửi công văn hoả tốc yêu cầu Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) kiểm điểm rõ trách nhiệm và “xử lý nghiêm minh” các tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 của tập đoàn này.
Trước đó, hôm 3/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trong buổi họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đề nghị khởi tố bị can đối với nam tiếp viên Vietnam Airlines, tức bệnh nhân 1342 - người được cho là nguồn gây lây nhiễm virus corona ra cộng đồng.
Vụ lây nhiễm mới khiến đại dịch quay trở lại Việt Nam lần thứ hai, sau 88 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam cho biết bệnh nân 1342 sau khi hoàn thành chuyến bay từ Nhật Bản về Cần Thơ đã được cách ly tại khu cách ly của Vietnam Airlines từ ngày 14/11 – 18/11. Trong thời gian này, nam tiếp viên đã được xét nghiệm COVID 2 lần và đều cho kết quả âm tính. Ngoài ra, nam tiếp viên cũng tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác, hai người bạn và mẹ ruột.
Đến ngày 28/11, nam tiếp viên được xét nghiệm lần 3 và có kết quả dương tính. Cơ quan y tế Việt Nam xác định bệnh nhân này là nguồn lây nhiễm cho các bệnh nhân tiếp theo và từ đó lây lan ra cộng đồng, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay lập tức gọi điện thoại cho lãnh đạo TPHCM và Bộ Y tế và yêu cầu “có biện pháp mạnh hơn”.
“Tôi yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này, ở bộ phận nào, cá nhân nào trong thực hiện quy trình cách ly. Cơ quan nào chịu trách nhiệm”, Bộ Y tế Việt Nam dẫn chỉ thị của ông Phúc.
Ngày 3/12, Công an TP.HCM công bố quyết định khởi tố vụ án lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người liên quan đến bệnh nhân 1342. Bộ Y tế và các lãnh đạo TPHCM cũng kết luận hành vi của nam tiếp viên là vi phạm quy định cách ly và thiếu trách nhiệm với cộng đồng, gây hậu quả nghiêm trọng.
Nam tiếp viên đã bị tạm đình chỉ công việc và hiện đang đối diện với nguy cơ bị sa thải. Trưởng đoàn tiếp viên của Vietnam Airlines cũng bị tạm đình chỉ công việc trong 15 ngày.
Việc “hình sự hoá” vụ lây nhiễm dịch bệnh đang gây ra không ít tranh luận về cách quản lý và xử lý đại dịch tại Việt Nam, nơi được đánh giá là một trong những quốc gia phòng chống đại dịch hiệu quả so với thế giới.
Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ biện pháp mạnh của chính quyền, một số người đặt câu hỏi về việc khởi tố vụ án liệu có được áp dụng cho những bệnh nhân COVID trước đây vốn cũng bị cho là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng hay không, chưa kể đến các yếu tố và cơ sở pháp lý trong các quy định hiện hành tại Việt Nam.
Trong cuộc họp báo công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” hôm 3/12, Phó giám đốc Công an TP.HCM, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, nói đây là “vụ án đặc thù” vì TPHCM là địa phương đầu tiên khởi tố vụ án hình sự về tội này.
Cơ quan công an sẽ có kế hoạch “điều tra, xác minh toàn diện, khách quan và thận trọng”.
“Còn khi nào khởi tố bị can, ai là bị can trong vụ án này thì phải điều tra mới xác định được”, vẫn theo lời ông Quang.
Trả lời báo chí hôm 4/12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói việc xử lý bệnh nhân 1342 là để “cảnh báo”, chứ không phải để “trừng trị”.
“Việc công khai người đó không phải để làm nhục mà vì cộng đồng, để lấy đó làm bài học, làm gương nhằm tránh những trường hợp tương tự”, ông Nên được Zing dẫn lời nói.
Tính đến tối 3/12, Việt Nam báo cáo có 1361 ca nhiễm virus corona, đa số là bệnh nhân nhập cảnh trở về nước trong thời gian diễn ra đại dịch.