Tập đoàn Vinashin, quả đấm thép tính đấm vỡ kỹ nghệ đóng tàu biển thế giới, thành một đoàn tàu đang đắm dần trên đại dương của nợ nần, thất thoát, làm ăn ẩu tả không phương hướng, đàng sau là hiện trường những đấu đá quyền lực phe nhóm.
Thành lập năm 2006 sau chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Nam Triều Tiên, mô hình chaebol của nước đó du nhập vào Việt Nam với danh xưng Tập đoàn kinh tế (TĐKT). Tập đoàn kinh tế Vinashin thành lập tháng 5/2006, đã nhanh chóng kết thu khoảng 200 doanh nghiệp lớn nhỏ để trở thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề lạ lùng nhất từ trước tới nay.
Chức năng chính của Vinashin là tập trung phát triển năng lực cốt lõi của ngành công nghiệp đóng tàu, nhưng Vinashin đã dùng lượng vốn rất lớn đầu tư tràn lan và thua lỗ nghiêm trọng.
Ưu đãi vốn
Trong một thời gian ngắn, Tập đoàn Vinashin được hưởng những cơ chế, chính sách ưu đãi rất lớn với định hướng để phát triển ngành đóng tàu. Ngày 1/9/2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép tập đoàn vay lại trái phiếu chính phủ phát hành ra thị trường quốc tế để thực hiện mục tiêu hiện đại hoá và nâng cấp ngành đóng tàu biển và giao cho Bộ Tài chính theo dõi, quản lý. Trái phiếu quốc tế 750 triệu USD được phát hành vào ngày 3/11/2005 lãi suất 6,875% năm, trả gốc 1 lần vào ngày 15/1/2016, trả lãi 6 tháng một lần vào ngày 15/1 và 15/7 hằng năm, phí phát hành trái phiếu quốc tế trả 1 lần 168 tỉ đồng.
Sau đó, ngày 25/6/2007, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho tập đoàn này vay tiếp 600 triệu USD của 15 ngân hàng và 2 quỹ đầu tư nước ngoài do Ngân hàng Credit Suisse CN Singapore sắp xếp tín dụng cho vay. Lãi suất Libor 6 tháng +1,5%/năm, trả nợ gốc 6 tháng 1 lần từ ngày 25/12/2010, mỗi lần 60 triệu USD. Phí thu xếp tín dụng cho vay trả 1 lần 8 triệu USD. Cả hai khoản vay trên, tập đoàn đều uỷ thác cho Cty tài chính công nghiệp tàu thủy quản lý và cho các đơn vị trong tập đoàn vay.
Ngoài hai khoản vay đặc biệt lớn trên, chỉ tính riêng từ 22/9/2006 đến ngày 13/4/2007, tập đoàn đã phát hành 6 đợt trái phiếu trong nước với tổng số tiền huy động lên đến 8.300 tỉ đồng và thực hiện các khoản vay khác với tổng giá trị lên đến 13.672 tỉ đồng...
Sử dụng vốn và hiệu quả
Nguồn vốn vay trên là đặc biệt lớn, nhưng do việc đầu tư dồn dập và dàn trải nên hầu hết các đơn vị đều gặp khó khăn về tài chính, thiếu vốn để đầu tư và trả nợ. Trong lúc các đơn vị đều được xác định là khát vốn thì chủ tịch tập đoàn quyết định cho đầu tư ra ngoài ngành, sử dụng tiền vay sai mục đích, góp vốn liên doanh, mua cổ phần, cổ phiếu với tổng số tiền lên đến 4.103 tỉ đồng.
Trong 2 năm 2006- 2007, tổng số vốn dài hạn mà Vinashin huy động được lên đến gần 3 tỷ USD. Các báo cáo cho biết, trong thương vụ cổ phiếu Bảo Việt, Vinashin lỗ khoảng hơn 700 tỷ, vụ tàu du lịch Hoa Sen dự tính lỗ hơn 1000 tỷ, hiện tại đội tàu có tới 2/3 số tàu không sử dụng được…Trong số các tàu nói trên, có 9 tàu được mua với tổng số 3.100 tỷ đồng nhưng phải treo cờ nước ngoài vì không được đăng kiểm tại Việt Nam do quá “đát”.
Trong việc triển khai các dự án, Vinashin đầu tư quá nhiều dự án ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau, không tập trung vào trọng tâm trọng điểm, vượt khả năng cân đối tài chính, hầu hết các dự án đầu tư đều triển khai dở dang. Nguồn vốn 750 triệu USD trái phiếu quốc tế được dùng đầu tư tới 219 dự án nên số dự án dở dang nhiều, có đến 75% số dự án chưa phát huy tác dụng. Thời báo Kinh tế Sài Gòn thì cho biết, từ khoảng năm 2003, Vinashin đã bắt đầu đến các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL ồ ạt xin đăng ký đầu tư nhiều dự án lớn. Nhưng qua hơn năm năm, đất quy hoạch cho một số dự án của tập đoàn này vẫn để hoang.
Báo cáo láo
Theo thông báo của Chính phủ, Vinashin đã báo cáo không đúng thực trạng về sử dụng vốn, về đầu tư, về phát triển thêm doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Làm ăn thua lỗ, gặp phải nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo Vinashin lại thể hiện gian dối, không báo cáo trung thực lên Chính phủ để có biện pháp giải quyết kịp thời. Năm 2009 thua lỗ nhưng vẫn báo cáo tổng kết sản xuất kinh doanh hoàn thành kế hoạch năm và đạt lợi nhuận 1.000 tỷ đồng. Quý I năm 2010 cũng vậy, thua lỗ nhưng vẫn báo cáo có lãi.
Trước đó, Vinashin cũng đã báo cáo sai với Chính phủ về số vốn điều lệ của mình. Theo số liệu tổng hợp, vốn điều lệ của toàn tập đoàn đến hết năm 2007 là 23.131 tỷ đồng, nhưng tổng số được phản ánh trên báo cáo tài chính của Tập đoàn tại thời điểm đó chỉ là 7.022 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ của Tập đoàn trên thực tế chỉ bằng 31%, còn thiếu so với số vốn đã đăng ký là 69% (khoảng 17.112 tỷ đồng).
Đến đây, chúng ta đều biết Vinashin là một mớ bòng bong rối rắm. Nhà Nước sẽ giải quyết những rối rắm này như thế nào? (còn tiếp).
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1