Hôm 4/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho biết cơ quan chức năng đã thắt chặt các quy định xử lý nội dung “sai sự thật” trên các nền tảng mạng xã hội, buộc phải gỡ trong vòng 24 giờ thay vì 48 giờ như trước đây, hãng tin Reuters và truyền thông trong nước loan tin.
Quy định mới này sẽ khẳng định hơn nữa chính sách của Việt Nam là một trong những chế độ kiểm soát chặt chẽ đối với các công ty truyền thông mạng xã hội nhất trên thế giới và sẽ củng cố bàn tay của Đảng Cộng sản cầm quyền khi đảng này trấn áp các hoạt động “chống nhà nước”, theo Reuters.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói trước quốc hội tại phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp: “Trên không gian số, tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng”.
“Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các nghị định quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; hạ thời gian mà các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ, có những thông tin cần hạ trong 3 giờ”, trang VietnamNet dẫn lời ông Hùng nói.
Hãng tin Reuters trước đó đã loan tin về kế hoạch của chính phủ đưa ra các quy định mới, cũng như các quy tắc để thông tin rất nhạy cảm phải được gỡ xuống trong vòng 3 giờ.
Hầu hết các chính phủ không có luật áp đặt việc gỡ bỏ nội dung được chuyển tải trên các công ty truyền thông xã hội, nhưng động thái này của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh một số nơi trên thế giới đang tăng cường trấn áp nội dung trực tuyến.
Theo ông Hùng, mức phạt hiện tại ở Việt Nam đối với hành vi đăng tải và phát tán thông tin sai lệch chỉ bằng 1/10 mức phạt của các nước Đông Nam Á, song không nêu cụ thể đó là các nước nào.
“Bộ sẽ đề xuất với chính phủ tăng mức phạt hành chính lên mức đủ cao để răn đe dư luận”, ông Hùng nói.
Phát biểu trước cơ quan lập pháp, ông Hùng đề xuất đến năm 2023 sẽ hoàn toàn xử lý tình trạng “báo hóa”, một thuật ngữ được nhà chức trách sử dụng để mô tả khi người dân nhầm tưởng rằng các tài khoản mạng xã hội là các cơ sở cung cấp tin tức được nhà nước cho phép.
Ông Hùng cho hay có một giải pháp rất “mới và hiệu quả” là chính phủ đã công khai dấu hiệu thế nào là một trang thông tin/tạp chí “báo hóa” để mọi người cùng biết và đã công khai được 3 tháng. “Trong số 650 tạp chí, số tạp chí phát hiện có dấu hiệu mà Bộ TT-TT đã phát hiện là 30 đơn vị, trang tin”.
Hồi tháng 9, Reuters đưa tin rằng chính phủ đang chuẩn bị các quy định để hạn chế các tài khoản mạng xã hội có thể đăng nội dung liên quan đến tin tức.
Việt Nam, thị trường mạng xã hội trị giá 1 tỷ đôla của Facebook, đã thắt chặt các quy tắc internet trong vài năm qua, với đỉnh điểm là Luật An ninh mạng có hiệu lực vào năm 2019 và hướng dẫn quốc gia về hành vi ứng xử trên mạng xã hội được ban hành vào tháng 6 năm ngoái.
Những người hay lên tiếng chỉ trích giờ đây lo ngại rằng các quy định pháp luật này có thể giúp chính quyền có thêm quyền lực để đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Diễn đàn