Trong những đề tài “nóng” liên quan tới Việt Nam trong năm 2011, phải kể đến các cuộc bầu cử trong nước để chọn lãnh đạo mới. Đầu năm 2011, Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng Sản Việt Nam bầu Ban Chấp Hành Trung ương. Nhân vật được chọn vào chức Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản là ông Nguyễn Phú Trọng, một sự chọn lựa gây ngạc nhiên cho một số chuyên gia nước ngoài, trong đó có Giáo sự Carl Thayer thuộc Học viện Quốc Phòng Úc.
Giáo sư Thayer: “Ông Nguyễn Phú Trọng được nắm chức Tổng bí thư là điều gây nhiều tranh cãi. Nếu nhìn vào danh sách các ủy viên Bộ chính trị, thường được sắp xếp theo số phiếu nhận được từ Ban Chấp hành Trung ương, tôi nghĩ ông Trọng đứng ở vị trí thứ 6, chứ không đứng đầu. Dường như Ban Chấp hành Trung ương có điều gì đó lưỡng lự về ông ấy, có thể vì lý do tuổi tác. Từ năm 1986 khi ông Lê Duẩn qua đời sau 16 năm lãnh đạo Đảng, Việt Nam không muốn có một nhà lãnh đạo mạnh, có quyền tối thượng. Ông Nông đức Mạnh và ông Nguyễn Phú Trọng là những người được coi là “có thể chấp nhận” nhưng không được trông đợi sẽ đóng vai trò tích cực hay mang tính đột phá.”
Trong cuộc bầu cử Quốc Hội khóa XIII, ông Trương Tấn Sang được bầu làm Chủ tịch nước, và nhân vật được coi là “đối thủ chính trị” của ông, ông Nguyễn Tấn Dũng, được bầu lại để duy trì chức vụ Thủ Tướng.
Ông Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cho rằng quyền hành của Thủ Tướng Dũng đã được củng cố, tuy nhiên thành tích của ông sẽ tùy thuộc vào những kết quả cụ thể đạt được.
Ông Bower: “Bây giờ ông Nguyễn Tấn Dũng đã được bầu lại làm Thủ Tướng, ông đã được ủy thác trọng trách này, hãy chờ xem ông sử dụng quyền hạn đó như thế nào.”
Trong khi đó, có nhiều lời đồn rằng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có thể trở thành một Yeltsin hay một Gorbachev của Việt Nam.
Ông Bower: “Lẽ dĩ nhiên tôi cũng đã nghe tin đồn này. Tôi nghĩ về cơ bản, giới lãnh đạo Việt Nam đã chứng tỏ, bằng hành động của họ trong thập niên qua, rằng họ rất là thực tiễn. Theo tôi, chúng ta có thể lập luận rằng trên thực tế Đảng Cộng Sản Việt Nam trong thập niên qua đã trở nên “dân chủ hơn”về cách chọn lãnh đạo, tôi tin rằng xu hướng đó có thể tiếp tục trong thời gian tới.”
Nhưng đề tài nóng nhất trong năm, là cuộc tranh chấp tại Biển Đông. Một tổ chức nghiên cứu và cố vấn chiến lược tại Úc, Viện nghiên cứu Lowy, nhận định rằng sự kiện nhiều quốc gia trong khu vực tăng cường khả năng quân sự đã biến Châu Á thành một điểm nóng, nơi dễ xảy ra đụng độ giữa các thế lực đối nghịch tại những khu vực “nhạy cảm”.
Chúng tôi gặp Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Úc, bên lề cuộc Hội thảo An ninh Biển Đông ở Washington hồi tháng 6 năm nay
Giáo sư Thayer: “Trung Quốc ngày càng tỏ ra quả quyết hơn trong tuyên bố đòi chủ quyền tại Biển Nam Trung Hoa. Trong mấy năm qua, Bắc Kinh đã hiện đại hóa quân đội và dời các địa điểm tập trận, nước này đã bắt đầu thâm nhập các vùng biển liên hệ. Trong trường hợp Việt Nam, những hành động khiêu khích, kể cả lệnh đơn phương cấm đánh bắt cá, đã gây tổn thất cho ngành đánh cá, và vì vậy Hà nội thấy cần phải quốc tế hóa vấn đề biển Ðông.”
Căng thẳng lên cao tới mức đã có lúc người ta lo sợ chiến tranh có thể bùng nổ, truyền thông báo chí tô đậm các hàng tít “Biển Đông dậy sóng”.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự tại Biển Đông, ông Ernest Bower của CSIS nhận định:
“Tôi hy vọng là không, giữa Trung Quốc với Việt Nam trong quá khứ đã có nhiều cuộc đối đầu quân sự để giành chủ quyền các hòn đảo trong vùng. Tôi hy vọng là chúng ta không lâm vào tình huống đó. Rõ ràng là nếu xảy ra thì sự thể đó sẽ không phục vụ quyền lợi của bất cứ một ai.”
Bên trong Việt Nam, lần đầu tiên Hà nội cho phép các cuộc biểu tình diễn ra, để bày tỏ thái độ trước hành động lấn át của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Các cuộc biểu tình được tổ chức vào ngày Chủ nhật trong nhiều tuần liên tiếp, sau đó đã bị trấn áp và dẹp tan sau khi lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc qua lại gặp gỡ nhau, và đạt thỏa thuận về các nguyên tắc chỉ đạo hướng tới giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa.
Về khả năng các cuộc cách mạng dân chủ tại các nước Ả rập có thể lan sang vùng Đông Nam Á, ông Ernest Bower miêu tả năm 2011 là năm của cử tri, ông nói rằng nhiều chính quyền Đông Nam Á đã ve vãn cử tri bằng một số các biện pháp cải cách, trao nhiều quyền hơn vào tay người dân. Riêng tại Việt Nam, liệu Đảng Cộng Sản có thể duy trì quyền lực mãi mãi hay không?
Ông Bower: “Đảng Cộng Sản Việt Nam đang ra sức làm việc để có thể tồn tại. Việt Nam đang tiến tới việc trao quyền cho cử tri theo phương cách của riêng họ. Tôi không biết liệu trong tương lai, Đảng Cộng Sản Việt Nam có là chính đảng có thể huy động sức mạnh của quần chúng hay không, nhưng rõ ràng Hà nội đang có những bước hướng tới bảo đảm người dân có tiếng nói trong việc điều hành đất nước.”
Bởi vì, theo lời ông, nếu không làm điều đó thì e rằng dần dà, Đảng Cộng Sản có thể phải đối mặt với những áp lực nặng nề, thách thức quyền cai trị của họ.
Năm 2011 chứng kiến nhiều thay đổi tích cực trong các quan hệ Việt-Mỹ. Và chính cuộc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc là yếu tố quan trọng đã đưa hai nước cựu thù xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Tuy nhiên với một loạt vụ bắt bớ và giam cầm các nhân vật đấu tranh cho dân chủ, các blogger, trí thức, luật sư, giáo sư vv..., thành tích nhân quyền của Việt Nam tiếp tục là một cái gai trong các quan hệ nở rộ mọi mặt của hai nước, gây bực bội cho cả đôi bên.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho chúng tôi, đại sứ Hoa Kỳ tại Hà nội Michael Michalak, lúc đó còn tại chức, nhận định về vấn đề này.
Đại sứ Michael Michalak: “Nhìn vào thành tích nhân quyền của Việt Nam, chúng tôi quả là có quan tâm về cách thức Việt Nam diễn giải quyền tự do ngôn luận, vấn đề minh bạch, tham nhũng và một số vấn đề khác. Tôi tin rằng Việt Nam còn phải vượt qua một chặng đường khá dài mới mong cải thiện cơ hội cho các công dân bên trong Việt Nam được quyền tự do phát biểu ý kiến của họ.”
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nay đã có chủ nhân mới. Đại sứ David Schear được Tổng Thống Obama bổ nhiệm, đã đến nhận nhiệm sở sau sự ra đi của Đại sứ Michael Michalak. Thế đại sứ Michalak nhớ gì nhất về Việt Nam?
Ðại sứ Michalak: “Chắc chắn là tôi sẽ nhớ món phở. Tôi không nghĩ là tôi có thể tìm được một bát phở ngon ở ngoài biên giới Việt Nam. Nhưng điều làm tôi nhớ nhất là sự nồng hậu và tình bạn hữu của người dân Việt Nam. Tôi cũng sẽ nhớ những bãi biển đẹp, những ngọn núi hùng vĩ ở Tây Nguyên hay ở miền bắc như Sa Pa. Và tôi cũng nhớ dòng sông Mekong.”
‘Câu chuyện Việt Nam’ cuối năm 2011 đến đây đã kết thúc, Hoài Hương xin cảm tạ sự theo dõi của quý vị và mong rằng quý vị sẽ tiếp tục hưởng ứng chuyên mục Câu Chuyện Việt Nam trong năm mới, được phát sóng hàng tuần vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy. Muốn đóng góp ý kiến về các đề tài quý vị quan tâm, xin quý vị truy cập trang nhà của VOA-Việt ngữ, www.voatiengviet.com, hoặc các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Quý vị có thể theo dõi các tin được VOA cập nhật liên tục, xem phóng sự video, đọc các trang blog và các chuyên mục khác của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Hoài Hương xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau, và trước thềm năm mới, kính chúc quý vị và quý quyến một Năm mới đoàn tụ, hạnh phúc.
Câu chuyện Việt Nam tuần này đến với quý vị trong những giờ khắc cuối cùng của năm 2011, một năm có nhiều biến chuyển quan trọng có khả năng làm đổi cục diện khu vực và tương lai của Việt Nam. Trước khi bước sang năm mới Dương lịch, chúng tôi xin điểm lại một số đề tài nóng trong năm 2011, kèm theo một số trích đoạn từ các cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho Ban Việt ngữ - VOA trong các Câu Chuyện Việt Nam đã đến với quý vị trong 12 tháng qua, mời quý vị cùng Hoài Hương theo dõi Câu chuyện Việt Nam cuối năm 2011.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1