Đường dẫn truy cập

Việt Nam - Thách thức và cơ hội


Tổng thống Mỹ Obama tiếp Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc tại Washington, ngày 25/7/2013
Tổng thống Mỹ Obama tiếp Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc tại Washington, ngày 25/7/2013
Ông Trương Tấn Sang đã vội vàng thực hiện chuyến Mỹ du theo lời mời của Tổng thống Obama trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng và gần như hoàn toàn bế tắc và tình hình khu vực có những chuyển biến phức tạp, như việc Hoa Kỳ đang chuyển trục kinh tế và quân sự sang Châu Á - Thái Bình Dương mà mục tiêu là để đối phó với Trung Quốc.

Trên biển Đông, tranh chấp Trung Quốc - Nhật Bản, Trung Quốc- Philippines đang gia tăng, tuy chậm nhưng ngày càng trầm trọng và không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ được giải quyết trong tưong lai trước mắt. Cuộc tranh chấp lãnh hải trong khu vực hiện nay mặc nhiên được quốc tế hóa một cách thầm lặng với sự phân trục rõ rệt, một bên là các nước trong khu vực đã và đang hình thành liên minh quân sự với Hoa Kỳ và một bên là Trung Quốc đang lớn mạnh với lực lượng hải quân hùng hậu.

Việt Nam, một quốc gia đông dân với vị trí chiến lược quan trọng trên bản đồ địa chính trị, trong tình hình đó, sẽ đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội. Cách đây vài năm, khi những người thạo tin còn nghi ngờ hay bài bác về chuyện Hoa Kỳ sẽ quay trở lại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì Hà Nội đã không phải đối mặt với bất kỳ thách thức nào, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn ăn no ngủ kỹ, tìm kiếm sự ổn định chính trị từ Bắc kinh và hợp tác trao đổi kinh tế với Washington để thủ lợi. Tiếc rằng chính sách ngoại giao với mưu tính thấp hèn kiểu nô lệ không thể tồn tại lâu dài trong một thế giới luôn luôn thay đổi, và càng không thể đứng vững trong một khu vực đầy tiềm năng nhưng cũng đầy biến động như vùng Đông Á.

Trung Quốc, một con rồng đang trỗi dậy một cách hung bạo sau một thời gian dài bị đày đọa trong tủi nhục bởi các cường quốc phương Tây. Chính sách đại quốc hiếu chiến của giới quân nhân Trung Quốc khiến nhiều nước trong khu vực phải quan ngại. Sau mấy thập kỷ canh tân và phát triển, nền kinh tế Trung Quốc có thể đáp ứng hiệu quả và vững chắc cho nhu cầu phát triển quân đội mà đặc biệt là hải quân. Đội tàu tuần duyên và tàu hải giám của Trung Quốc nay mai sẽ tràn ngập khắp các vùng biển quốc tế ngoài vùng biển Đông rộng lớn, có thể kiểm soát tàu bè lưu thông trên biển của bất cứ quốc gia nào. Thậm chí, họ có thể áp đảo trong những cuộc tranh chấp lãnh hải mà không có cơ quan quốc tế nào có thể can thiệp hữu hiệu.

Dĩ nhiên, điều đó đang trở thành lý do để con Đại bàng Mỹ bị phải giật mình, nhận thức rõ ràng và sâu sắc hơn thực chất của một Trung Quốc muốn "phát triển trong hòa bình". Đứng trước nguy cơ đó, Hoa Kỳ buộc phải hành động để bảo vệ đồng minh cũng như khẳng định vị thế cường quốc số 1 của mình. Một thế trận mới đang được các nhà làm chính sách tại Washington định hình và thực hiện nhanh chóng.

Thế chiến lược mới buộc Cộng sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro cũng như cơ hội. Hơn ai hết, chính quyền Hà Nội nhận thức được rằng, chính sách tái phối trí lực lượng quân sự từ Tây sang Đông là để kiểm soát và đối phó với Trung Quốc. Không chỉ có quân sự, trên mặt trận kinh tế Washington đang lập ra Tổ chức hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) để cô lập nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy thoái. Trong thế tranh chấp giữa hai siêu cường, Hà Nội thực sự không có nhiều lựa chọn.

Vừa qua, theo các nhà ngoại giao nhận định, cuộc găp của Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình trong chuyến công du Trung Quốc đã không đạt được kết quả nào đáng kể, nếu không muốn nói là thất bại cay đắng cho phía Việt Nam. Nguyên nhân dẫn đến những thất bại ngoại giao này được giới phân tích cho rằng hồ sơ biển Đông đã không được Trung Quốc giải quyết một cách thỏa đáng. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi thì nguyên nhân sâu xa dẫn đến thất bại ngoại giao này không phải là vấn đề biển Đông, bởi lẽ mối quan tâm chính yếu của chính quyền Hà Nội là sự bền vững chính trị chứ không phải chủ quyền quốc gia, những tuyên bố trên các diễn đàn quốc tế về tự do hàng hải hay toàn vẹn lãnh thổ chỉ là những hành động mang tính chiếu lệ.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có cùng thể chế chính trị, trong lịch sử họ cũng đã từng có những hợp tác quân sự hỗ tương; trong khi đó, trong 10 nước ASEAN thì Việt Nam lại là quốc gia Cộng sản duy nhất. Những yếu tố này đã thực sự đủ để biến Việt Nam thành đồng minh của Trung Quốc hay không? Trong những năm gần đây, suy thoái kinh tế trong nước trở thành cơn ác mộng đối với ban lãnh đạo Cộng sản. Theo dự đoán của các nhà kinh tế, hệ thống tài chính - ngân hàng sẽ sụp đổ trong nay mai. Nếu kinh tế Việt Nam đình đốn thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi bất ổn xã hội dẫn đến rối loạn chính trị. Trước tình thế đó, Trung Quốc là ưu tiên số 1 cho các gói viện trợ kinh tế. Việt Nam đang rất cần sự giúp đỡ hào phóng của nước đàn anh Trung Quốc. Chuyến đi Trung Quốc của Trương Tấn Sang có lẽ không ngoài mục đích trên.

Thế nhưng, chuyến đi của ông Sang đã không đạt được kết quả nào. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ, trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc sẽ không dễ dàng đáp ứng mong đợi của phía Việt Nam nếu Việt Nam không đáp ứng được những nhu cầu chiến lược của họ. Nhu cầu chiến lược của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay là phá vỡ sự kiềm tỏa của Hoa Kỳ. Và Việt Nam nằm trong thế chiến lược đó. Nói cách khác thì Trung Quốc đang muốn lôi kéo Việt Nam vào liên minh quân sự chống lại Hoa Kỳ. Nhưng Hà Nội đã không đủ bản lĩnh để phiêu lưu cùng bậc đàn anh. Tiền lệ từ các nước Ả Rập, Bắc Phi giúp Hà Nội nhận thức rằng đối đầu với Hoa Kỳ sẽ chỉ dẫn đến thất bại.

Khi không thể liên minh và hợp tác với Trung Quốc, Hà Nội vội vã tìm kiếm sự hậu thuẫn từ Hoa Kỳ. Trước thềm hội nghị, Washington không che dấu vai trò quan trọng của Việt Nam trong chính sách xoay trục qua Á châu. Hoa Kỳ mời gọi Việt Nam gia nhập Tổ chức hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương là để mở ra cho Hà Nội một cơ hội mới để hội nhập quốc tế và thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc. Bên cạnh đó, phía Mỹ cũng nêu lên mối quan tâm đáng kể về vấn đề nhân quyền. Khi gia nhập tổ chức kinh tế này, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 quốc gia thành viên, nhưng sẽ bị chi phối không ít bởi chính sách của Hoa Kỳ. Điều quan trọng nhất, Tổ chức hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương là một tổ chức kinh tế do Hoa Kỳ hậu thuẫn nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc, nếu Việt Nam gia nhập vào tổ chức này, thì Hà Nội sẽ hiển nhiên trở thành kẻ đối đầu với Trung Quốc. Liệu Cộng sản Việt Nam có dám chấp nhận điều đó hay không?

Cộng sản Việt Nam đang đứng trước rủi ro và cơ hội. Mô hình nhà nước độc tài không còn phù hợp với thời đại hôm nay. Nếu Cộng sản Việt Nam biết thức tỉnh và cải cách chính trị như Miến Điện, thì chính những người lãnh đạo hiện nay sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi và phát triển trở lại nhờ những ưu đãi của các tổ chức tín dụng quốc tế. Một lộ trình Dân chủ hóa đất nước sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc trong luật pháp nhằm tránh sự đổ vỡ và bạo động. Nhân dân Việt Nam sẽ công nhận đó là công lao của những người lãnh đạo hiện nay và họ sẽ trở thành một thế lực chính trị được luật pháp chấp nhận trong tương lai.

Chuyến đi của Trương Tấn Sang là cơ hội hiếm có cho những người lãnh đạo Việt Nam. Nếu Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ cơ hội này thì điều đó cũng có nghĩa là họ đã từ bỏ con đường cải cách, hội nhập quốc tế. Liên minh với Trung Quốc là bất chấp quyền lợi quốc gia, là chọn giải pháp đối đầu với Hoa Kỳ. Tôi tin rằng, những người Cộng sản cũng đã thấy được hậu quả không thể tưởng tượng nổi cho gia đình và bản thân họ.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

XS
SM
MD
LG