Trong thỉnh nguyện thư đề ngày 4/10 gửi Thủ tướng Việt Nam, một chục tổ chức bảo vệ nhân quyền có uy tín trên thế giới kêu gọi chính phủ Hà Nội tôn trọng quyền tự do bày tỏ ý kiến của công dân và hủy bỏ bản án 3 năm tù đối với giảng viên Phạm Minh Hoàng về tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Bức thư nêu rõ các bài viết đăng trên mạng internet cũng như các hoạt động của ông Hoàng được Hiến pháp Việt Nam công nhận cũng như được đảm bảo bởi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Tuyên ngôn Liên hiệp quốc về Những người Bảo vệ Nhân quyền, và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết.
Trong số 10 tổ chức bảo vệ nhân quyền đồng ký tên trong thỉnh nguyện thư đòi Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Phạm Minh Hoàng có Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Ủy ban Bảo vệ Ký giả, và Tổ chức Văn bút Quốc tế.
Ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong Tổ chức Phóng viên Không Biên giới trụ sở tại Pháp, phát biểu với Ban Việt ngữ đài VOA:
“Chúng tôi kêu gọi Thủ tướng Việt Nam có hành động hầu trả tự do cho ông Phạm Minh Hoàng vì blogger này không phạm tội gì cả, ông ta chỉ viết blog bày tỏ quan điểm cá nhân và tham gia chiến dịch phản đối dự án bauxite Tây Nguyên. Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều báo cáo về các trường hợp blogger, các nhà bất đồng chính kiến trên mạng, và những nhà báo tự do bị chính quyền Việt Nam bắt bớ. Điều này cho thấy xu hướng của Hà Nội càng lúc càng đàn áp mạnh tay quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong nước. Trường hợp của ông Hoàng không phải là trường hợp đơn lẻ. Vì vậy, khi nói rằng chúng tôi trông đợi hồi đáp của chính quyền Việt Nam đối với vụ án của ông Hoàng, thì cũng có nghĩa là chúng tôi mong đợi câu trả lời của Hà Nội về tất cả các trường hợp khác, những vụ bắt giữ phi pháp và tàn bạo đối với các nhân vật bất đồng chính kiến tại Việt Nam, chứ không chỉ riêng trường hợp của ông Hoàng mà thôi.”
Công dân mang hai quốc tịch Pháp-Việt Phạm Minh Hoàng là một blogger được nhiều người biết đến. Các bài viết của ông phản ánh thực trạng xã hội, đặc biệt là về giáo dục Việt Nam, dự án bauxite Tây Nguyên, và vấn đề chủ quyền trước sự bành trướng của Trung Quốc.
Tại phiên sơ thẩm hôm 10/8 vừa qua, Tòa án Nhân dân TPHCM phán quyết các bài viết của ông ‘bôi nhọ hình ảnh đất nước’ ‘nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ trong khi tác giả khẳng định những việc ông làm chỉ là thực thi quyền tự do ngôn luận của công dân.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1