Quốc hội Việt Nam đang tiến hóa nhưng vẫn là một cơ quan lập pháp Cộng sản.Hãng thông tấn Pháp trích lời các nhà quan sát cho biết như thế trong bài tường thuật đánh đi từ Hà Nội hôm thứ Năm.
Bài tường thuật nói rằng khi các nhà lập pháp Cộng Sản Việt Nam bác bỏ dự án đường sắt cao tốc có kinh phí 56 tỉ đô la hồi cuối tuần trước, nhiều người đã ca ngợi họ là những người đại diện dũng cảm của người dân.
Tuy nhiên, các nhà quan sát khác không xem cuộc biểu quyết này là một sự đột phá dân chủ, mặc dầu họ vẫn cho rằng đây là một diễn tiến quan trọng.
Trong một quyết định hiếm có hôm thứ Bảy vừa qua, quốc hội Việt Nam đã bác bỏ dự án đường sắt cao tốc bắc-nam và yêu cầu chính phủ nghiên cứu thêm về những sự lựa chọn khác.
Giáo sư Ben Kerkvliet, một chuyên gia về Việt Nam của Đại học Quốc gia Australia, nói rằng đây là lần đầu tiên quốc hội Việt Nam bác bỏ một dự án quan trọng của chính phủ. Ông cho rằng các đại biểu quốc hội đã vượt qua một ngưỡng quan trọng trong quá trình phát triển định chế chính trị quốc gia.
Một số người Việt Nam nói rằng các đại biểu, trong đó có hơn 90% là đảng viên Cộng Sản, đã chứng tỏ rằng họ thực sự hành động vì quyền lợi của người dân.
Nhiều độc giả của các tờ báo trên mạng đã đăng những ý kiến phản hồi cho rằng các đại biểu quốc hội là những người “dũng cảm” và là “đại biểu tốt.”
Ông Lê Đăng Doanh, cựu cố vấn kinh tế của chính phủ, cho biết nhiều người tin rằng đây là một trường hợp chưa từng có và có thể là một mẫu mực cho hành động của quốc hội trong tương lai. Tuy nhiên, ông Doanh tin rằng nhận định của những người đó là sai lầm. Ông nói rằng quốc hội đã được tự do biểu quyết chỉ vì dự án này không có sự tán thành của Bộ Chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Theo hãng thông tấn Pháp, Việt Nam là một nước độc đảng và những người cổ súy cho một hệ thống chính trị đa đảng đã bị cầm tù.
Ông Lê Đăng Doanh cho biết hầu như toàn bộ gần 500 đại biểu quốc hội là đảng viên Cộng Sản và nếu đối mặt với một nghị quyết của Bộ Chính trị thì họ phải chấp nhận.
Giáo sư David Koh của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cũng cho rằng đây không phải là một dự án có được sự ủng hộ của tất cả những người trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất. Ông Koh nói thêm rằng bài học ở đây là “có rất nhiều không gian” để người dân góp ý về một số vấn đề nào đó, tuy không phải là những vấn đề như vụ tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc; và ông không tin rằng cuộc biểu quyết vừa rồi ở Việt Nam là một sự tiến hóa dân chủ.
Trong khi đó, các nhà phân tích của Đảng Việt Tân, một tổ chức chính trị của người Việt ở hải ngoại và bị nhà cầm quyền Hà Nội tố cáo là một tổ chức khủng bố, cho rằng quyết định của quốc hội là kết quả của những áp lực từ phía dân chúng.
Họ cho rằng vụ việc này cho thấy tầm quan trọng của nỗ lực tranh đấu cho tự do ngôn luận và tự do internet ở Việt Nam – nơi mà nhà cầm quyền bị tố cáo là có những hành vi trấn áp các địa điểm internet có nội dung nhạy cảm về chính trị. Đảng Việt Tân cho hay dự án đường sắt cao tốc đã gặp phải sự chống đối kịch liệt của giới trí thức và những người viết blog.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết dân chúng giờ đây tin rằng quốc hội lắng nghe ý kiến của họ và điều này thật sự có ảnh hưởng tâm lý rất lớn.
Nguồn: AFP, Tuoi Tre