Các bản tin của thông tấn xã Đức DPA và Bloomberg hôm nay loan tin chính phủ Việt Nam lên tiếng phản đối kế hoạch phát triển du lịch của Trung Quốc tại hai quần đảo tranh chấp này.
“Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 210-2020” do Ủy ban Cải cách và Phát triển nhà nước Trung Quốc thông qua đề ra kế hoạch mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa và kêu gọi dân chúng đăng ký quyền sử dụng tại các đảo không người. Bản Cương yếu khẳng định khu tổ hợp chức năng biển, trong đó có cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, là do tỉnh Hải Nam của Trung Quốc quản lý.
Phát biểu trước báo giới hôm nay, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng Việt Nam kiên quyết phản đối việc Trung Quốc thông qua bản Cương yếu, viện dẫn lý do Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bộ Ngoại giao Việt Nam tố cáo hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như đi ngược lại với tinh thần bản Tuyên bố mà Bắc Kinh đã ký kết với các nước ASEAN hồi năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, tức DOC.
Bà Nga nói rằng chính phủ Việt Nam yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng Tuyên bố DOC và chấm dứt ngay việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết Việt Nam đã trực tiếp lên tiếng phản đối với Đại sứ quán Trung Quốc về việc này.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại hầu hết khu vực Biển Đông, nhưng các quốc gia có đường biên giới biển xung quanh khu vực này trong đó có Việt Nam không công nhận tuyên bố này.
Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Brunei, Philippines, và Malaysia đều lên tiếng xác nhận chủ quyền một phần hoặc toàn phần đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa tại Biển Đông.
Nguồn: DPA, Bloomberg, MOFA
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1