Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ mối quan ngại của Quĩ Tiền tệ Quốc tế rằng sự thiếu minh bạch trong chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang làm tổn hại đến niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế.
Trong một bản đánh giá thường niên về chính sách kinh tế của Việt Nam được công bố hôm thứ Năm, Quĩ Tiền tệ Quốc tế, IMF, đã đánh giá cao việc chính phủ Việt Nam đã vượt qua được một số những thách thức và khó khăn, tuy nhiên họ cảnh báo rằng “sự ổn định về mặt kinh tế vĩ mô hiện tại dường như không lành mạnh”.
IMF cho rằng “sự thiếu rõ ràng” trong chính sách của chính phủ đã “làm tổn hại niềm tin của thị trường” và khuyến nghị rằng “Việt Nam nên tăng cường sự minh bạch trong các kế hoạch của chính phủ, dựa trên các số liệu có chất lượng cao hơn nhằm giúp cho các nhà đầu tư có thể đưa ra dự đoán của họ.”
Tuy nhiên, hôm thứ Sáu, Financial Times trích lời Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Gia Khiêm nhận định rằng thông tin trong báo cáo của IMF là “không chính xác”.
Ông Khiêm nói rằng khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra, một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giữ vững ổn định tăng trưởng kinh tế vĩ mô, còn ưu tiên thứ hai là duy trì sự minh bạch.
Chính phủ Việt Nam đã buộc phải tiến hành hàng loạt thay đổi nhanh chóng trong các chính sách kinh tế vĩ mô trong vòng 3 năm qua do lạm phát leo thang, suy thoái toàn cầu và gần đây nhất là nỗi lo sợ về nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ.
Kể từ tháng 11/2009, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh tỷ giá USD/VND nhằm ngăn chặn áp lực lên sự tăng giá của đồng nội tệ do mối quan ngại về thâm hụt ngân sách và thương mại của Việt Nam.
Ông Khiêm nói rằng hiện chính phủ đang tập trung giữ tỷ giá VND/USD ổn định và những thay đổi thời gian qua chứng tỏ “Việt Nam là nền kinh tế thị trường”.
Cả IMF và các kinh tế gia đều cho rằng những chính sách vĩ mô Việt Nam không nhất quán và gây bối rối cho giới đầu tư, ví dụ như chiều hướng của lãi suất cho vay.
Tuy nhiên ông Khiêm nói, xin trích dẫn: “Tôi chưa nhận thấy tín hiệu tiêu cực nào từ phía nhà đầu tư nước ngoài, họ không hề tỏ ra lo lắng.”
Theo IMF, trong năm nay, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP, lạm phát, tăng trưởng tín dụng và cung tiền cũng như ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, IMF cho rằng rất khó để Việt Nam thuyết phục thị trường rằng Chính phủ có thể hoàn thành tất cả các mục tiêu trên trong bối cảnh còn thiếu các công cụ chính sách.
Nguồn: Financial Times, Bloomberg