Tin Reuters ngày 13/9 cho biết với áp lực của Việt Nam, chính phủ Thái Lan đã từ chối cấp visa nhập cảnh cho hai nhà hoạt động chính trị dự định tới Bangkok phát biểu tại một cuộc họp báo dự kiến diễn ra hôm nay để công bố Báo cáo Nhân quyền Việt Nam do Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam và Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền tổ chức.
Đại diện Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam có trụ sở tại Pháp, ông Võ Văn Ái, phát biểu:
“Phải hiểu rằng đây là do áp lực của nhà cầm quyền Việt Nam. Họ đã áp lực với chính phủ Thái Lan cấm chúng tôi không được tổ chức cuộc họp báo tại Bangkok. Thứ hai, mặc dù sứ quán Thái đã cấp visa nhập cảnh cho tôi, nhưng đến phút cuối, họ đã điện thoại yêu cầu tôi đừng đi, nếu không, tới Bangkok cũng sẽ không được vào. Chúng tôi cử Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, bà Penelope Faulkner, thay tôi đi Thái Lan chủ trì cuộc họp báo. Khi tới phi trường Paris hôm chủ nhật, bà cũng được hãng máy bay thông báo chính quyền Thái yêu cầu họ không cho bà lên máy bay đi Thái.
Chính quyền Việt Nam quá sợ sự thật, không cho chúng tôi nói lên tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt đối với bản báo cáo mới tên là “Từ viễn mơ đến thực tại: Nhân quyền Việt Nam dưới quyền chủ tọa của ASEAN”. Năm ngoái, ASEAN đã ra cơ cấu mới là Ủy hội Liên chính phủ về Nhân quyền, thì tại sao lại cấm đoán chúng tôi nói lên sự thật về nhân quyền? Bản báo cáo này dựa vào luật pháp nhân quyền của Liên hiệp quốc cộng với những gì báo chí trong nước viết ra, đặc biệt là những kiến nghị gần đây của ba mươi mấy vị tướng lĩnh cao cấp trong đảng cộng sản, yêu cầu phải dân chủ hóa và nhân quyền hóa chế độ. Đây là những sự thật có tại Việt Nam, chúng tôi chỉ khuyến thỉnh chính quyền Việt Nam phải thay đổi chính sách nhân quyền theo ngưỡng vọng của quần chúng. Tại sao lại cấm đoán việc đó? Năm nay, Việt Nam làm chủ tịch luân phiên ASEAN, Thái Lan là chủ tịch luân phiên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Hai cơ cấu nhân quyền lại cấm nhân quyền lên tiếng. Đây là một điều rất nghiêm trọng.”
VOA: Lý do nào khiến ông cho rằng quyết định của chính phủ Thái là do áp lực từ Việt Nam?
Ông Võ Văn Ái: Sứ quán Thái Lan đã cho tôi chiếu khán nhập cảnh, chỉ một hôm trước ngày tôi lên đường, họ điện thoại và thông báo rằng tôi đừng đi Thái vì yêu cầu của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, Câu lạc bộ Báo chí Quốc tế tại Thái Lan, nơi sẽ tổ chức họp báo, cũng bị Bộ Ngoại giao Thái yêu cầu phải ngưng. Trong thư, họ có nói rõ ràng rằng nhà cầm quyền Việt Nam yêu cầu không được tổ chức họp báo. Đây là điều đến từ chính quyền Việt Nam.
Đại diện ban tổ chức cuộc họp báo cho biết dù cuộc họp báo bị hủy nhưng bản báo cáo nhân quyền Việt Nam vẫn được phổ biến theo đúng dự liệu:
“Bản báo cáo đó đã được đưa lên trang web của tổ chức Quê Mẹ (Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam) và website của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế. Chúng tôi đang bàn với Liên đoàn có thể chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp báo tại Paris hoặc tại Geneva. Chúng tôi chuẩn bị cuộc họp báo này để dự liệu cho thượng đỉnh ASEAN tại Hà Nội sắp tới và thượng đỉnh của các tổ chức phi chính phủ. Chúng tôi sẽ nhờ các tổ chức phi chính phủ mang bản báo cáo này tới Hà Nội để phân phát cho tất cả các chính phủ và các phái đoàn. Đồng thời, trong kỳ họp sắp tới của Hội đồng Nhân quyền Quốc tế tại Geneva, tôi sẽ lên tiếng về vụ này và phổ biến bản báo cáo cho tất cả các phái đoàn chính phủ và phi chính phủ tại Geneva.”
Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền cũng có trụ sở ở Pháp nói họ kinh ngạc trước việc chính quyền Bangkok cản trở các nỗ lực công bố một phúc trình hầu đưa ra những khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền. Chủ tịch Liên đoàn, Souhayr Belhassen, cho rằng điều này chứng tỏ một thực tế đáng sợ là không những không thể bàn về nhân quyền của Việt Nam trên đất nước Việt Nam, mà ngay cả tại các nước láng giềng với Việt Nam nữa.
Hãng thông tấn AP trích thuật thông cáo đề ngày 12/9 của Câu lạc bộ Nhà báo nước ngoài của Thái Lan (FCCT) nói rằng họ cảm thấy đáng tiếc là chính phủ Thái đã áp lực họ kiểu này. Trong email gửi cho FCCT, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao, Thani Thongphakdi, nhấn mạnh dù Thái Lan coi trọng quyền tự do bày tỏ quan điểm và khác biệt quan điểm, nhưng sẽ không cho phép các tổ chức hoặc cá nhân dùng Thái làm nơi thực hiện các hoạt động gây bất lợi cho các quốc gia khác.
Theo tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch tại New York, Thái Lan hiện là chủ tịch của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, nên các tác giả và diễn giả của bản báo cáo nhan đề “Từ viễn mơ đến thực tế: Nhân quyền Việt Nam dưới quyền chủ tọa của ASEAN” mới chọn nơi đây để tổ chức sự kiện này. Tuy nhiên, vẫn theo Human Rights Watch, phản ứng của giới chức chính quyền Bangkok đã bôi nhọ danh tiếng ấy.
Nguồn: Reuters, AFP, AP, VOA's Interview