VOA: Thưa Tiến sĩ Thắng, trước hết xin ông có thể nói tóm tắt định nghĩa về các nước thuộc hạng 2 và các nước hạng 3 về buôn người? Hai cấp độ này khác nhau như thế nào thưa ông?
TS. Nguyễn Đình Thắng: Theo đạo luật về bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người được ban hành cuối năm 2000, thì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có nhiệm vụ theo dõi tình trạng buôn người trên toàn thế giới và nộp một bản phúc trình hàng năm cho Quốc hội và Tòa Bạch Ốc. Trong bản phúc trình đó, các quốc gia được phân hạng theo hạng 1, 2 hoặc 3.
Hạng 1 là các quốc gia mà chính quyền chứng tỏ được quyết tâm chống buôn người qua những đạo luật, qua vấn đề chấp pháp các đạo luật đó, qua các chương trình xã hội để bảo vệ cho nạn nhân, qua các cuộc truy tố đối với thủ phạm. Hạng 2 là các quốc gia chứng tỏ quyết tâm nhưng chưa làm được đến mức có ảnh hưởng khả quan để mà chống vấn đề buôn người. Các quốc gia ở hạng 3 là những nơi mà chính quyền chưa chứng minh được quyết tâm, và đặc biệt là những nơi mà chính quyền có thể đã can dự vào vấn đề buôn người.
Giữa hạng 2 và hạng 3 còn có một số quốc gia nằm ở trong danh sách theo dõi. Danh sách theo dõi có nghĩa là đáng quan tâm, và những quốc gia nào nằm trong danh sách theo dõi 2 năm liền nhưng không có sự cải thiện để nâng lên cấp 2 thì tự động sẽ rơi xuống cấp 3. Ở trong hạng 3 thì các quốc gia đó đứng trước nguy cơ và rủi ro là sẽ bị chính phủ Hoa Kỳ chế tài.
VOA: Trong trường hợp của Việt Nam thì CAMSA đã căn cứ vào những lý do gì để kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào các nước hạng 3 thưa ông?
TS. Nguyễn Đình Thắng: Trong rất nhiều năm chúng tôi theo dõi và đã thu thập được khá nhiều thông tin cũng như nhiều bằng chứng cho thấy rằng chính quyền Việt Nam đã có những luật và lệ thúc đẩy và làm dễ dãi cho vấn đề buôn bán lao động. Đó là trường hợp của người lao động ở nước ngoài. Chẳng hạn như Việt Nam có chính sách bắt công nhân, cấm cản công nhân không được tham gia vào các nghiệp đoàn tại các quốc gia khác. Mà chúng tôi biết được rằng khi mà công nhân tham gia vào nghiệp đoàn thì họ được bảo vệ, và nếu không tham gia thì họ rất dễ bị bóc lột và từ đó có thể xảy ra tình trạng buôn người. Hoặc là những qui định của chính phủ cho phép các công ty môi giới của Việt Nam được toàn quyền xóa bỏ và vô hiệu hóa hợp đồng, tức là thanh lý hợp đồng mà không được sự đồng thuận của công nhân, và như vậy cũng đã có một số công ty môi giới ở Việt Nam đã sử dụng qui định đó để bắt ép công nhân sau khi công nhân khiếu nại rằng họ bị buôn bán. Họ bị bóc lột mà công ty không can thiệp thì họ không còn đường nào để mà khiếu nại tiếp nữa khi mà công ty môi giới toàn quyền đơn phương thanh lý hợp đồng đối với công nhân.
Không những vậy chúng tôi biết được là có những công ty mà tên chính thức là doanh nghiệp dịch vụ là thuộc của nhà nước, đó là những công ty quốc doanh rất bề thế, xuất cảng hàng ngàn công nhân và chính những công ty đó đã can dự vào vấn đề buôn người.
VOA: Vâng, nhưng thưa ông trong phúc trình công bố hồi tháng 6 năm 2009, khi xếp Việt Nam vào danh sách các nước hạng 2, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có nhận định rằng chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ một số nỗ lực trong việc bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người qua biên giới và chính phủ cũng đã có hành động bảo vệ công nhân bằng quĩ hỗ trợ xuất khẩu lao động cũng như qui định về phí môi giới lao động. Vậy ông có ý kiến gì về nhận định này và nếu bị xếp vào hạng 3 thì có nghĩa là so với năm ngoái Việt Nam đã thụt lùi ở lĩnh vực nào?
TS. Nguyễn Đình Thắng: Dạ, thực sự thì Việt Nam không thụt lùi, nhưng từ trước đến giờ Việt Nam chưa bao giờ công nhận vấn đề buôn lao động cả. Luật pháp Việt Nam không thừa nhận và không định nghĩa vấn đề buôn bán lao động là buôn người, do đó không có con số. Chính vì không thu thập dữ kiện và không làm bản thống kê thành ra Việt Nam luôn làm bản báo cáo với quốc tế và với Hoa Kỳ rằng Việt Nam không hề có vấn đề buôn bán lao động. Một mặt thì chính quyền Việt Nam rất hăng hái chống lại và trừng trị những kẻ buôn bán về mãi dâm, buôn bán trẻ em và phụ nữ, và chính phủ Hoa Kỳ chỉ dựa trên những con số đó và lầm tưởng rằng chính quyền Việt Nam thực tâm chống buôn người mà quên đi khía cạnh to lớn hơn nhiều, đó là buôn bán lao động.
Phần về quĩ hỗ trợ người lao động ngoài nước đó, thì thực sự đó là quĩ có thật và đến hiện nay đã thu được 92 tỷ đồng Việt Nam, nhưng chưa chi ra đồng nào để trợ giúp cho những công nhân gặp khó khăn kể cả những nạn nhân của tình trạng buôn bán lao động. Quĩ đó là công nhân họ đóng vào khi mà họ ký hợp đồng để đi lao động ở ngoài nước, nhưng đến khi họ lâm nạn thì chưa một công nhân nào được thụ hưởng lợi ích của quĩ đó cả và chúng tôi đã báo cáo điều đó với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
VOA: Như ông cũng biết những năm gần đây có các Tổ chức Quốc tế và các cơ quan Liên Hiệp Quốc đã và đang thực hiện nhiều dự án chống nạn buôn người ở Việt Nam, Việt Nam cũng hợp tác với các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Malaysia, Nam Triều Tiên…v..v trong việc phòng chống tệ nạn này. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các dự án quốc tế và công cuộc hợp tác của Việt Nam với các nước khác trong lĩnh vực này?
TS. Nguyễn Đình Thắng: Như chúng tôi trình bày, hiện nay luật pháp Việt Nam không thừa nhận tình trạng buôn lao động, do đó các tổ chức địa phương và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam chỉ thuần túy hoạt động trong lĩnh vực chống buôn bán mãi dâm mà thôi. Ngay cả những trường hợp đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận là tình trạng buôn lao động từ Việt Nam sang các quốc gia khác như Jordany, như Malaysia, Đài Loan chẳng hạn, tuy nhiên khi các nạn nhân trở về Việt Nam thì ngay chính một số tổ chức quốc tế được sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng không được tiếp xúc để trợ giúp cho các nạn nhân bởi chính quyền Việt Nam phủ nhận đó là nạn nhân của tình trạng buôn lao động. Chính vì lý do đó mà hiện nay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhìn thấy rất rõ rằng có tình trạng buôn lao động từ Việt Nam rất phổ cập đến các quốc gia khác, nhưng vì Việt Nam không thừa nhận có tình trạng buôn lao động từ Việt Nam đi. Thành ra, thứ nhất, chính quyền không có biện pháp để truy tố thủ phạm kể cả những công ty quốc doanh và những giới chức cao cấp có liên hệ đến tình trạng buôn lao động. Thứ hai, ngay cả nạn nhân sau khi hồi hương thì các tổ chức quốc tế cũng không được tiếp cận để mà giúp đỡ cho họ.
VOA: Ông có nhắc đến các biện pháp chế tài, vậy nếu bị xếp vào hạng 3 thì Việt Nam sẽ có nguy cơ bị áp đặt các biện pháp chế tài gì thưa ông?
TS. Nguyễn Đình Thắng: Thứ nhất là chính quyền Hoa Kỳ sẽ chế tài Việt Nam về các khoản viện trợ, ngoại trừ các khoản viện trợ về nhân đạo, các khoản viện trợ về phát triển chẳng hạn sẽ bị cắt. Thứ hai, cái quan trọng hơn là các đại công ty quốc tế họ sẽ rất ngần ngại để làm ăn buôn bán, lập cơ xưởng ở tại các quốc gia đã bị xếp vào hạng 3 bởi vì họ không muốn bị mang tiếng. Đó là những công ty họ đặt rất nặng vấn đề uy tín trên thị trường đối với giới tiêu thụ. Thành ra các khoản ảnh hưởng về kinh tế nó sẽ rộng rãi và nặng nề hơn là các khoản bị Hoa Kỳ chế tài.
VOA: Được biết từ giữa năm ngoái, CAMSA đã khởi động một chiến dịch vận động với mục đích thúc đẩy Việt Nam ký kết công ước về chống buôn người của Liên Hiệp Quốc và ban hành đạo luật chống buôn người mà trọng tâm là chống buôn lao động. Vậy thưa ông, khi ký kết công ước này thì các chính phủ cần cam kết những gì?
TS. Nguyễn Đình Thắng: Khi mà ký kết công ước này, trước hết các quốc gia sẽ phải thừa nhận định nghĩa về buôn người của Liên Hiệp Quốc trong đó có bao gồm vấn đề buôn lao động. Thứ hai là chính quyền quốc gia đó phải cam kết hợp tác với các chính quyền khác bởi vì vấn đề buôn người là vấn đề xuyên quốc gia, có quốc gia gốc, có quốc gia tiếp nhận và có quốc gia trung gian, thành ra chính quyền đã ký kết thì phải hợp tác với các chính quyền khác để ngăn chặn và bẻ gãy đường dây buôn người và thứ ba phải cam kết để có biện pháp bảo vệ nạn nhân và truy tố thủ phạm.
VOA: Ngoài việc thúc đẩy để Việt Nam ký công ước LHQ về chống buôn người, CAMSA còn có khuyến nghị gì để giúp Việt Nam cải thiện tình trạng này thưa ông?
TS. Nguyễn Đình Thắng: Bước đầu tiên và quan trọng sau khi kết hoặc song hành với việc ký kết Nghị định thư Palermo của Liên Hiệp Quốc về vấn đề chống nạn buôn người, chính quyền Việt Nam rất cần phải đưa ra một đạo luật chống buôn người theo tiêu chuẩn quốc tế, có nghĩa là phải bao gồm những lĩnh vực sau đây: thứ nhất là phải định nghĩa rõ ràng thế nào là buôn người; thứ hai là phải có biện pháp truy tố và trừng phạt những kẻ có liên can đến hoạt động buôn người; thứ ba là phải có những chương trình xã hội để giúp đỡ, bảo vệ và phục hồi đời sống cho những nạn nhân của tình trạng buôn người; thứ tư, phải có những biện pháp hướng dẫn cho quần chúng, ngõ hầu ngăn chặn và phòng ngừa trở thành nạn nhân của vấn đề buôn người; và thứ năm phải có các chính sách để hợp tác với các tổ chức ở nội địa cũng như các tổ chức quốc tế đến để ngăn cản, phòng ngừa, can thiệp và truy tố trong vấn đề buôn người ở Việt Nam.
Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng đã dành cho đài VOA cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Trong phúc trình năm 2009 về tình trạng buôn người tại các nước trên thế giới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào các nước thuộc hạng 2. Tuy nhiên, năm nay trong phiên điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ hồi cuối tháng Ba, Liên minh Bài trừ Nô lệ Châu Á, gọi tắt là CAMSA, đã kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào các nước hạng 3. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, người đồng sáng lập liên minh CAMSA, thì mặc dù Việt Nam đã nỗ lực và hăng hái trong việc chống lại nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, nhưng Việt Nam chưa công nhận tình trạng buôn bán lao động và vì vậy chưa có hành động để ngăn chặn tệ nạn này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!