Khi đến nơi, thông tín viên VOA gặp một số bà của Hội Phụ nữ Kachin Miến Điện đang an ủi 3 cô gái trẻ bị bán cho những gia đình Trung Quốc.
Những cô gái này, tuổi từ 16 đến 18, được hứa đưa đến Trung Quốc để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên họ bị bán làm vợ cho những người đàn ông tại miền quê với giá khoảng 700 đô la mỗi người và bị đối xử giống như tù nhân.
Một nạn nhân sắc tộc Kachin cho biết:
“Một bà trong làng tôi nói bà ta có thể kiếm cho tôi một việc làm tốt tại Trung Quốc. Đêm đó chúng tôi nghỉ chân tại một vườn mía. Tôi được cho một ít mì để ăn và sau đó tôi không nhớ gì cả. Khi tỉnh dậy tôi không biết mình ở đâu và tôi không được phép tiếp xúc với ai cả.”
Nạn nhân thứ hai người Kachin nói:
“Chú tôi đã đến đây cùng với hai người khác và có cả công an Trung Quốc đi kèm để định đưa tôi trở về nhà. Tuy nhiên vì dân làng không cho nên công an bắt người chồng của tôi. Dân làng cho biết là đã trả tiền để mua tôi và không để tôi đi. Chú tôi nói với dân làng rằng họ cần phải nói chuyện với những người mà họ đã trả tiền, vì cô bé này là con cháu của chúng tôi.”
Việc buôn bán phụ nữ là chuyện bình thường ở Nabang. Thị trấn này nằm giữa biên giới Trung Quốc-Miến Điện. Hàng ngàn phụ nữ vào đất Trung Quốc mỗi năm, hy vọng có việc làm nhưng lại bị lừa.
Các tổ chức như Health Unlimited cố gắng hết sức để giúp những phụ nữ này. Tuy nhiên theo như giải thích của bác sĩ Tu Lum, Trưởng ban Công tác của tổ chức thì đây là một cuộc chiến rất khó khăn:
“Trình độ của những phụ nữ này rất thấp, nhiều cô gái không được học hành đàng hoàng. Người dân Miến Điện rất nghèo và họ sẵn sàng đổ xô đến những nơi nào có cơ hội kiếm được công ăn việc làm. Do đó nhiều người bị lừa.”
Ngăn chặn nạn buôn người hầu như là chuyện bất khả. Nhà chức trách Trung Quốc ít có ảnh hưởng đối với Miến Điện. Trong khi đó, chính sách một con của Trung Quốc khiến những vùng nông thôn nghèo nàn thiếu phụ nữ ở lớp tuổi lấy chồng.
Nhà xã hội học Li Yinhe thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc giải thích:
“Vì những làng này rất nghèo nên đàn ông khó lấy vợ, khiến cho họ phải dùng tiền để giải quyết vấn nạn này.”
Tuy Trung Quốc cấm buôn người nhưng các tổ chức giúp đỡ các thiếu nữ nạn nhân cho biết ngày càng có nhiều phụ nữ bị đưa vào Trung Quốc để bị buộc làm cô dâu ngoài ý muốn.
Chính sách một con của Trung Quốc dẫn đến chuyện trai thừa gái thiếu, vì nhà nào mang thai con gái thường phá bỏ. Một số gia đình phải nhờ đường giây buôn người để kiếm vợ cho con trai. Các đường giây này thường đến các quốc gia láng giềng để mua hay bắt cóc phụ nữ. Thông tín viên VOA Henry Morton vừa đi thăm Nabang, nằm trong lãnh thổ Trung Quốc giáp giới với Miến Điện, và tường trình như sau.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1