Việt Nam sẽ xây dựng cảng Cam Ranh thành Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp và sẽ cho phép các tàu của hải quân nước ngoài ra vào cảng.
Bản tin hôm thứ Ba của hãng thông tấn AP cho hay Bộ Trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh được báo chí trong nước trích lời nói rằng Trung tâm này phục vụ lực lượng hải quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, và không loại trừ việc cho phép tàu của các nước đang có tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền với Việt Nam ra vào cảng.
Phát biểu bên hành lang Quốc hội ông Thanh cũng nhấn mạnh rằng căn cứ dành riêng cho tàu nổi và tàu ngầm của Việt Nam là riêng, còn khu làm dịch vụ hậu cần là riêng, không lẫn lộn. Do đó, không lo lộ bí mật quân sự của Việt Nam.
Những lời phát biểu của ông Thanh được đưa ra sau tuyên bố tương tự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào lúc kết thúc hội nghị thượng đỉnh Châu Á tại Hà Nội rằng: “tại trung tâm cảng dịch vụ Cam Ranh, Việt Nam sẽ sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân tất cả các quốc gia kể cả tàu ngầm khi họ có yêu cầu theo cơ chế thị trường.”
Báo chí Việt Nam cũng trích lời ông Thanh cho hay Việt Nam sẽ thuê chuyên gia của Nga để làm tư vấn, vận hành ban đầu, cũng như sử dụng công nghệ của Nga trong việc xây dựng Trung tâm.
Ông Thanh cũng nói rằng giá cả cho việc mua công nghệ, thuê chuyên gia tư vấn, vận hành của Nga chắc chắn là cũng rẻ hơn nhiều so với của các nước phương Tây.
AP nhận định lời đề nghị của Việt Nam được đưa ra giữa lúc các nước Đông Nam Á ngày càng quan ngại về hàng loạt các hành động hung hăng của Trung Quốc ở vùng lãnh hải có tranh chấp.
Vụ gần đây nhất là việc Trung Quốc bắt giữ 9 ngư dân Việt Nam ở vùng biển Đông và chỉ thả những ngư dân này vào lúc các bộ trưởng quốc phòng ASEAN và các đối tác trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ họp bàn tại Hà Nội.
Cam Ranh vốn là một căn cứ chính của Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam và trở thành căn cứ hải quân ở nước ngoài lớn nhất của Liên Xô cũ sau khi họ ký với Việt Nam một hợp đồng cho thuê trong vòng 25 năm vào năm 1979.
Nga đã rút khỏi căn cứ này vào năm 2002 sau khi không sử dụng trong một khoảng thời gian mà họ nói là nhiều năm. Có tin cho hay Việt Nam đã đòi Nga trả tiền thuê vào năm 2002, hai năm trước khi hợp đồng hết hạn, dẫn tới việc Tổng thống Nga lúc đó là ông Vladimir Putin (hiện nay là Thủ tướng Nga) quyết định rút khỏi Cam Ranh.
Nguồn: AP, Thanh Nien
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1