Năm ngoái, thị trường chứng khoán trong nước không đem lại nhiều hứa hẹn và nhiều ngân hàng đã quyết định sẽ lùi thời điểm niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Tuy nhiên, theo nhận định của một bài viết trên Asia News Network được đăng tải hôm 1 tháng 2 thì sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu cần phải cải thiện vị trí cũng như tính cạnh tranh trên thị trường đã khiến các ngân hàng quyết định niêm yết trong năm nay.
Cụ thể là Ngân hàng Phát triển Nhà ở (HDBank) dự định sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch nhằm tăng vốn điều lệ lên 4 ngàn tỷ đồng so với số vốn hiện nay là 3 ngàn tỷ đồng.
Trong khi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cũng đã xin ý kiến các cổ đông để chuẩn bị cho việc niêm yết trong năm nay và một ngân hàng cổ phần lớn khác là Ngân hàng Cổ phần Thương mại và Công nghệ (Techcombank) cũng muốn sớm chào bán cổ phiếu.
Theo báo chí trong nước, các ngân hàng này là những ngân hàng đã thu về những khoản lợi nhuận lớn trong năm 2010.
Theo tin của báo Tiền Phong, lãi trước thuế của Ngân hàng Quân đội đạt 2.100 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu đặt ra chỉ 1.700 tỷ đồng vượt tới 127% kế hoạch". Trong khi Techcombank đạt lợi nhuận theo kế hoạch khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. HDBank cũng vượt chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra là 300 tỷ đồng.
Phần lớn các ngân hàng dự định niêm yết cổ phiếu đều cho rằng đây là biện pháp cần thiết để cải thiện tính thanh khoản của ngân hàng cũng như đánh bóng tên tuổi và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, họ cũng cho rằng niêm yết trên sàn giao dịch chính thức không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì sự thành công phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của thị trường.
Một ví dụ điển hình là trường hợp của Ngân hàng Cổ phần Thương mại Việt Nam, là ngân hàng đã niêm yết trên sàn Hà Nội trong quí tư năm ngoái, tuy nhiên giá cổ phiếu của họ vẫn dừng chân ở mức ban đầu là 10.000 đồng, điều này phản ánh viễn cảnh không mấy sáng sủa của thị trường Việt Nam.
Ngoài lĩnh vực chứng khoán, bài viết trên Asia News Network cũng đề cập đến sự gia tăng các hoạt động mua bán trên mạng ở Việt Nam.
Cách đây một vài năm, phần lớn người Việt Nam chưa biết nhiều đến hoạt động mua sắm trên mạng. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của ngành thương mại điện tử, giờ đây việc mua sắm trên mạng đã trở nên ngày càng phổ biến, đặc biệt là vào những dịp lễ, Tết.
Giờ đây, người ta có thể tìm thấy đủ loại hàng hóa và dịch vụ trên mạng, từ quần áo, dày dép, quà tặng, đồ điện tử và các loại hàng tiêu dùng khác cho đến các loại dịch vụ như dọn dẹp nhà cửa, giặt thảm hay thuê xe.
Một số chủ các trang mạng mua sắm cho hay các đơn hàng ở thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh có thể chỉ mất một ngày để đóng gói và giao hàng, và vì không phải tốn các chi phí như thuê cửa hàng hay người bán, nên giá cả của các sản phẩm trên mạng thường rẻ hơn ở ngoài cửa hàng.
Các mặt hàng trên các trang web mua bán cũng ngày càng phong phú và đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, các trang web này cũng thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng.
Các tổ chức theo dõi thị trường cho biết những biện pháp bảo đảm an toàn về mặt thanh toán cho người mua là chìa khóa để đưa tới thành công cho hoạt động bán hàng trên mạng.
Các tổ chức này nhận định rằng mặc dù người mua có thể tiết kiệm thời gian khi mua hàng trên mạng, nhưng họ không có cơ hội để nhìn tận mắt hàng hóa và kiểm tra chất lượng, cho nên việc đảm bảo chất lượng của hàng hóa sẽ chiếm được lòng tin của khách hàng. Việc thiết lập các cổng thanh toán trung gian giữa người bán và người mua cũng là một điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho khách hàng khi họ thanh toán.
Nguồn: Asia News network, Tien Phong
Liên quan
Đọc nhiều nhất
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!