Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo Việt-Trung đồng ý ‘xử lý đúng đắn’ tranh chấp Biển Đông


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang trước cuộc họp tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 3/9/2015.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang trước cuộc họp tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 3/9/2015.

Các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận với nhau hôm thứ Năm là sẽ ‘xử lý đúng đắn’các tranh chấp chủ quyền trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông đang gia tăng, hãng thông tấn Reuters trích nguồn tin của Tân Hoa Xã cho biết như trên.

Động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền ở các vùng biển khiến cho các nước láng giềng và Hoa Kỳ lo lắng ngại, mặc dù Bắc Kinh nói không có ý định thù địch.

Năm ngoái, Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu trong khu vực mà Việt Nam xem là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, cách bờ biển của Việt Nam khoảng 120 hải lý, đã dẫn đến những đụng độ tồi tệ nhất trong mối quan hệ của hai nước tính từ cuộc chiến biên giới năm 1979.

Tân Hoa Xã trích lời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rằng: “Chúng tôi ủng hộ việc xử lý đúng đắn các tranh chấp giữa hai bên thông qua đối thoại, mở rộng hợp tác và vì các lợi ích chung”.

Cả hai nước đều là quốc gia do đảng cộng sản nắm quyền và đây “là một yêu cầu đối với hai nước nhằm tăng cường phối hợp chiến lược, trao đổi và hợp tác”, ông Tập nói thêm.

Ông Trương Tấn Sang hiện đang ở Bắc Kinh để tham dự buổi diễu binh được xem là ‘chưa từng có’ của Trung Quốc nhằm đánh dấu 70 năm kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai ở Châu Á.

Tân Hoa Xã trích lời ông Trương Tấn Sang nói: “Việt Nam hy vọng sẽ tăng cường sự tin tưởng chính trị và các hoạt động giao lưu với Trung Quốc, xử lý đúng đắn những khác biệt và tăng cường sự hợp tác đôi bên cùng có lợi”.

Trung Quốc có yêu sách chủ quyền chồng lấn với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei ở Biển Đông, khu vực có khối lượng thương mại hàng hải đi qua trị giá đến 5.000 tỷ đôla mỗi năm.

Trong khi đó, Washington gần đây tranh thủ tình thế để gia tăng quan hệ ngoại giao với Hà Nội. Trung Quốc đã tỏ ra hoài nghi và xem các động thái của Hoa Kỳ là ‘kích động’ căng thẳng bằng cách hỗ trợ cho các đồng minh trong khu vực, chẳng hạn như Philippines, bên cạnh Việt Nam.

Trung Quốc và Việt Nam đã tìm cách hàn gắn mối quan hệ kể từ khi vụ đụng độ. Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, thành viên cao cấp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đến thăm Việt Nam vào giữa tháng Bảy.

Thương mại giữa hai nước đã tăng lên đến 50 tỷ đôla mỗi năm. Tuy nhiên, Việt Nam từ lâu vẫn nghi ngờ nước láng giềng khổng lồ của mình.

XS
SM
MD
LG