Việt Nam lần đầu tiên vượt qua New Zealand về Chỉ số Quyền lực châu Á, và nằm trong số ít các quốc gia trong khu vực có sự gia tăng quyền lực trong năm qua, một phần do ứng phó tốt với đại dịch virus corona.
Chỉ số Quyền lực Châu Á 2020 vừa được Viện Nghiên cứu Lowy của Úc công bố hôm 19/10 cho thấy quyền lực của Việt Nam trong khu vực tiếp tục gia tăng và đây là năm thứ 2 liên tiếp quốc gia Đông Nam Á có được sự thăng tiến trên bảng xếp hạng này.
Trong bảng chỉ số năm nay của cơ quan nghiên cứu chính sách hàng đầu của Úc, trong đó xếp hạng quyền lực của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực theo một loạt chỉ số – từ khả năng quân sự và mạng lưới quốc phòng cho tới ảnh hưởng ngoại giao và văn hoá, Việt Nam đứng vị trí thứ 12. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt đứng đầu trong Top 3 của Chỉ số Quyền lực châu Á, và được Viện Lowy xếp vào nhóm các “cường quốc lớn” của khu vực.
Theo đánh giá của Viện Lowy, quyền lực của Việt Nam tăng 1 bậc so với năm ngoái để thay thế New Zealand, hiện lùi xuống hạng 13, trên bảng xếp hạng và nằm trong nhóm các quốc gia quyền lực bậc trung ở châu Á, trong đó có Ấn Độ (hạng 4), Nga (hạng 5), Úc (hạng 6), và Hàn Quốc (hạng 7).
Bốn quốc gia Đông Nam Á có nhiều quyền lực hơn Việt Nam, theo đánh giá của Viện Lowy, là Singapore (hạng 8), Thái Lan (hạng 9), Malaysia (hạng 10) và Indonesia (hạng 11).
Viện nghiên cứu của Úc cho rằng thứ hạng của Việt Nam được cải thiện một phần nhờ vào chỉ số ảnh hưởng ngoại giao của Việt Nam tăng tới 3 bậc, lên vị trí thứ 9, với danh tiếng được củng cố thêm nhờ vào khả năng đối phó tốt với đại dịch virus corona. Viện này nhận định rằng Việt Nam cũng cải thiện đáng kể về năng lực kinh tế và tăng 3 bậc chỉ số mạng lưới quốc phòng. Tuy nhiên, chỉ số thấp nhất của Việt Nam nằm ở khả năng phục hồi, trong đó Việt Nam đứng thứ 19. Những tranh chấp lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông và sự gần gũi cũng như di sản từ các cuộc xung đột với Trung Quốc đóng vai trò trong việc dễ bị tổn thương về địa chính trị của Việt Nam, theo nhận định của Viện Lowy.
Trong số các quốc gia thăng hạng 1 bậc năm nay, ngoài Việt Nam, còn có Úc, Thái Lan và Philippines (hạng 16).
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia trên thế giới khống chế tốt đại dịch COVID-19, nhưng theo giám đốc chương trình quyền lực và ngoại giao châu Á của Viện Lowy, Herve Lemahieu, “việc đối phó với đại dịch là cần thiết nhưng không phải là điều kiện duy nhất cho sự thăng tiến xếp hạng của một nước trong khu vực.”
Ông Lemahieu nói với hãng tin ABC của Úc rằng “ba quốc gia mà chúng ta thấy có quyền lực tương đối tăng lên – gồm Việt Nam, Australia và Đài Loan – đã làm được nhiều hơn chứ không chỉ đối phó tốt với đại dịch.”
Mỹ vẫn duy trì thứ hạng cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương nhưng theo đánh giá của Viện Lowy, cường quốc số 1 này có sự sụt giảm lớn nhất về quyền lực so với bất kỳ quốc gia nào trong năm 2020. Chỉ số tổng thể của Mỹ giảm tới 3 điểm và khoảng cách 10 điểm giữa Mỹ và Trung Quốc – hiện theo sau ở vị trí thứ 2 – giảm xuống một nửa vào năm 2020. Sức mạnh của Mỹ trong khả năng kinh tế, quân sự, nguồn lực tương lai và ảnh hưởng về kinh tế, quân sự, ngoại giao và văn hoá – 7 trong 8 tiêu chí mà Viện Lowy dùng để đánh giá quyền lực của các quốc gia cho chỉ số này – đều giảm mạnh. Quốc gia quyền lực hàng đầu của khu vực, và cả thế giới, chỉ ghi điểm duy nhất khả năng phục hồi.
Trong khi Trung Quốc giữ nguyên vị trí số 2, Ấn Độ bị đưa ra khỏi nhóm “cường quốc lớn” trên bảng Chỉ số Quyền lực Châu Á mới nhất.
Chỉ số Quyền lực Châu Á hàng năm bao phủ 26 quốc gia trong khu vực vươn xa về phía tây như Pakistan, về phía bắc như Nga, và tới Thái Bình Dương như Úc và Mỹ. Theo Viện nghiên cứu Lowy, ấn bản năm 2020 – bao gồm dữ liệu của 3 năm qua – là bản đánh giá toàn diện nhất về sự thay đổi phân bổ quyền lực ở châu Á cho đến nay. Trong số những thứ khác, nó nhằm mục đích làm sắc nét cuộc tranh luận về hậu quả địa chính trị của đại dịch COVID-19.