Đường dẫn truy cập

Việt Nam truy nã toàn quốc đối với ông Lê Quốc Anh theo Điều 117


Công an Tiền Giang phát lệnh truy nã đối với Lê Quốc Anh, ngày 28/11/2023. YouTube Bao Tuoi Tre.
Công an Tiền Giang phát lệnh truy nã đối với Lê Quốc Anh, ngày 28/11/2023. YouTube Bao Tuoi Tre.

Công an tỉnh Tiền Giang ra lệnh truy nã đặt biệt đối với ông Lê Quốc Anh với cáo buộc “Truyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự, một điều luật bị quốc tế lên án như là công cụ được chính quyền sử dụng để trấn áp và bắt bớ những tiếng nói bất đồng.

Truyền thông Việt Nam hôm 28/11 đồng loạt loan tin về lệnh truy nã đối với ông Lê Quốc Anh, 32 tuổi, nói rằng trong thời gian Cơ quan An ninh đang tiến hành điều tra thì ông Anh đã trốn khỏi địa phương.

Thông tin truy cập từ Văn phòng Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an cho biết lệnh truy nã đặc biệt đối với với Lê Quốc Anh được áp dụng toàn quốc.

Trang Ấp Bắc, cơ quan truyền thông của đảng bộ tỉnh Tiền Giang, đăng một quyết định truy nã đối với ông Quốc Anh được Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an tỉnh ký vào ngày 25/8/2023. Không rõ vì sao quyết định này phải mất hơn 3 tháng mới được công bố.

Trước đó, cũng cơ quan này đã ra quyết định khởi tố ông Quốc Anh vào ngày 5/7/2023 với cùng tội danh, và rằng quyết định này được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn, vẫn theo truyền thông nhà nước.

Vào tháng 3/2023, ông Lê Quốc Anh bị câu lưu 15 ngày sau khi bị công an gửi giấy mời “làm việc” và khám xét nhà mà không có lệnh bắt hay lệnh khám xét, theo trang Facebook của luật sư Nguyễn Văn Miếng, người được gia đình mời để can thiệp việc bắt giữ khi ấy.

Theo luật sư Miếng, ông Quốc Anh là một kỹ thuật viên đồ họa vi tính và là một người bán truyện tranh trên mạng.

“Có gì đó khuất tất, mờ ám trong việc này. Phải chăng Lê Quốc Anh đã “mất tích” trong quá trình điều tra của Cơ quan An ninh điều tra và đây chỉ là thủ thuật để phủi tay?”, Luật sư Miếng đặt nghi vấn về việc công bố quyết định truy nã sau khi ký hơn 3 tháng.

Điều 117 BLHS về “Tuyên truyền chống nhà nước”, thuộc hệ tội danh “An ninh quốc gia”, bị Liên Hiệp Quốc và các quốc gia phương Tây lên án vì được chính quyền Việt Nam hình sự hóa như là công cụ để bịt miệng những nói ôn hòa.

Các nhà hoạt động đang bị chính quyền Việt Nam truy nã theo Điều 117 bao gồm Nguyễn Thị Thùy ở Thừa Thiên Huế, Sùng A Mình và Vừ A Nếnh ở Điện Biên, theo dữ liệu của Văn phòng Cảnh sát Điều tra.

Theo tổ chức Freedom House có trụ sở tại Hoa Kỳ, tự do Internet vẫn bị hạn chế ở Việt Nam với việc Chính phủ tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với môi trường trực tuyến và đưa ra các quy định hà khắc để xử phạt các nhà hoạt động và người dân thường vì các bài viết và bình luận của họ giữa lúc quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và hoạt động xã hội dân sự bị “hạn chế chặt chẽ”.

Chính quyền và truyền thông nhà nước Việt Nam thường xuyên bác bỏ các cáo buộc vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu, nói rằng họ chỉ bắt giam và xử phạt những ai “vi phạm pháp luật”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG