Việt Nam đặt mục tiêu tăng hơn gấp đôi công suất phát điện vào năm 2030, nhưng lại giảm mục tiêu về điện gió ngoài khơi và sẽ phụ thuộc nhiều vào than đá cho đến cuối thập kỷ này, theo một tài liệu của chính phủ mà Reuters được xem.
Tổng công suất phát điện lắp đặt tại quốc gia Đông Nam Á này dự kiến sẽ đạt 158 gigawatt (GW) vào năm 2030, cao hơn so với ước tính trước đây và tăng từ 69 GW vào năm 2020, theo tài liệu thảo luận chi tiết kế hoạch của chính phủ với các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà ngoại giao hôm 4/5.
Một số nội dung, bao gồm cả mục tiêu năng lực tổng thể, đã được công bố trên cổng thông tin điện tử của chính phủ.
Tài liệu cho biết mục tiêu năm 2030 đối với công suất điện gió ngoài khơi, dự kiến sẽ thu hút hàng tỷ đôla đầu tư nước ngoài, được đặt ở mức 6 GW từ con số 0 hiện nay - thấp hơn một chút so với mục tiêu 7 GW trong dự thảo tháng 12 về kế hoạch phát triển năng lượng. Reuters cũng đã xem được tài liệu này.
Công suất có thể tăng lên hơn 90 GW vào năm 2050, theo các mục tiêu do chính phủ chỉ định, các mục tiêu này vẫn có thể thay đổi cho đến khi được phê duyệt theo quy hoạch điện mới.
Hai nguồn thân tín với các cuộc thảo luận cho biết tài liệu tóm tắt lại một phiên bản mới của kế hoạch năng lượng do Bộ Công Thương chuẩn bị vào tuần trước, phiên bản này vẫn cần sự chấp thuận của chính phủ. Bộ này không phản hồi ngay bình luận của Reuters.
Kế hoạch này rất quan trọng để giải phóng 15,5 tỷ đôla quỹ chuyển đổi xanh mà Nhóm G-7 và các quốc gia giàu có khác đã cam kết cho Việt Nam vào tháng 12, nhưng việc phê duyệt kế hoạch này đã bị trì hoãn trong nhiều năm do những tranh cãi nội bộ và những cải cách phức tạp.
Quốc gia này đã đưa ra cam kết tại hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow (COP26) vào tháng 11/2021 rằng sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Văn bản nội bộ cho biết Việt Nam sẽ loại bỏ hoàn toàn tất cả các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2050, phù hợp với các cam kết trước đó.
Tuy nhiên, công suất kết hợp của các nhà máy nhiệt điện than đến năm 2030 sẽ tăng lên 30,1 GW, so với mức 21,4 GW năm 2020, khẳng định đây là nguồn điện lớn nhất của đất nước, chiếm 19% tổng công suất, theo tài liệu.
Đến năm 2030, thủy điện sẽ là nguồn năng lượng chính thứ hai, tiếp theo là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và điện gió trên bờ.
Chính phủ cho biết kế hoạch này nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 7% trong thập kỷ này.
Diễn đàn