Đường dẫn truy cập

Việt Nam phản đối hải cảnh Trung Quốc tấn công, làm ngư dân bị thương


Các ngư dân Quảng Ngãi điều trị vết thương tại bệnh viện sau khi bị tàu Trung Quốc tấn công ngày 29/9/2024. Photo YouTube Bao VietnamNet.
Các ngư dân Quảng Ngãi điều trị vết thương tại bệnh viện sau khi bị tàu Trung Quốc tấn công ngày 29/9/2024. Photo YouTube Bao VietnamNet.

Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 2/10 lên tiếng phản đối hành vi “thô bạo” và gây thương tích của hải cảnh Trung Quốc đối với các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, nơi mà cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, phía Trung Quốc bác bỏ cáo buộc về gây thương tích.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc đã “trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản” của ngư dân Việt Nam trên tàu cá QNg 95739 TS của tỉnh Quảng Ngãi khi con tàu này đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa ngày 29/9.

“Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam”, trang Tuổi Trẻ Online dẫn lời bà Hằng nói.

“Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự”, bà Hằng nói thêm.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 2/10 mô tả từ góc nhìn của họ rằng các tàu đánh cá Việt Nam đánh bắt trái phép ở vùng biển liên quan của quần đảo Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Bắc Kinh, do đó chính quyền Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn, Reuters đưa tin.

“Các hoạt động tại chỗ rất chuyên nghiệp và có chừng mực, và không có ghi nhận gì về thương tích”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời cho đề nghị đưa ra bình luận của Reuters và bộ không đề cập cụ thể đến vụ tấn công.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội không phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ đưa ra bình luận.

“Việc khẳng định các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ngày càng trở nên bạo lực. Các tàu chấp pháp của họ thực tế đã biến thành một lực lượng bán quân sự, được phép sử dụng mọi phương tiện sẵn có để buộc các nước láng giềng phải phục tùng”, nhà nghiên cứu Raymond Powell, người sáng lập và giám đốc của SeaLight, một dự án về minh bạch hàng hải giám sát và báo cáo các hoạt động ở Nam Trung Quốc, nhận xét với VOA qua tin nhắn ngày 2/10.

“Việc sẽ có người thiệt mạng trong một trong những cuộc chạm trán như vậy dường như chỉ là vấn đề thời gian”, ông Powell, đồng thời là cựu đại tá không lực Mỹ ở California, dự báo.

“Hai tàu hải cảnh của Trung Quốc, Sansha Zhifa 101 và Sansha Zhifa 301 đã tấn công vô cớ ngư dân, tàu cá của Việt Nam. Đây cho thấy rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc”, Thạc sĩ Hoàng Việt, nhà nghiên cứu luật pháp quốc tế và tranh chấp Biển Đông ở thành phố Hồ Chí Minh, nêu nhận định với VOA.

Các ngư dân cho biết khoảng 40 người từ các tàu nước ngoài đã đánh họ bằng ống sắt và lấy đi thiết bị đánh cá của họ, tờ Tiền Phong của nhà nước Việt Nam đưa tin hôm 1/10.

Vụ việc xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa, cách miền trung Việt Nam khoảng 400 km về phía đông và cách đảo Hải Nam, Trung Quốc, 350 km về phía đông nam, truyền thông Việt Nam cho biết mà không nêu tên đầy đủ các tàu Trung Quốc.

Vụ việc khiến 4 ngư dân ở Quảng Ngãi phải nhập viện trong tình trạng bị thương nặng, VietnamNet đưa tin ngày 1/10. Họ thuật lại những câu chuyện đau thương khi vật lộn với hậu quả của vụ hành hung khiến thiết bị của họ bị hư hỏng nặng.

Tuy nhiên, trang này dẫn lời thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên nói rằng hai tàu nước ngoài mang số hiệu “101” và “301”.

“Khi tàu đang chạy thì thấy một tàu nước ngoài mang số hiệu 301 rượt theo. Linh tính có chuyện chẳng lành, ông cho tàu chạy di chuyển về hướng cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Khoảng 1h sau, có thêm một tàu sắt khác mang số hiệu 101 tiếp cận. Hai tàu sắt này thả 3 ca nô xuống bao vây, kẹp tàu cá vào giữa”, VietnamNet thuật lại theo lời kể của thuyền trưởng.

“Tụi nó đánh dã man quá, tôi đưa tay lên đỡ. Biết không thể kháng cự nên anh em phải để cho chúng đánh đập. Sau khi tấn công xong, họ dồn tất cả ngư dân trên mũi tàu và dùng tấm bạt trùm kín mọi người lại”, ông Nguyễn Thương, 34 tuổi, một ngư dân nhập viện và bị thương ở cánh tay trái, kể lại vụ hành hung dã man, vẫn theo VietnamNet.

“Có lẽ lần này Việt Nam lên tiếng khá nhanh so với những lần trước”, nhà nghiên cứu Hoàng Việt đưa ra nhận xét. “Mặc dù không phải lên tiếng ngay tức thì, điều này cho thấy rằng mặc dù luôn đặt mối quan hệ với Trung Quốc lên hàng đầu, nhưng Việt Nam cũng đặt chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ lên quan trọng hơn”.

“Mối quan hệ của Việt Nam với nhiều quốc gia khu vực và phương Tây, trong đó có Mỹ, đang tăng cường, thì đây có lẽ là điều mà Trung Quốc đang muốn nhắc nhở Việt Nam, chưa kể là có những cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ cũng khiến Trung Quốc phải dằn mặt trước Việt Nam”, nhà nghiên cứu Hoàng Việt phân tích lý do khiến lực lượng hải cảnh Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam.

Việc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc tấn công xảy ra chỉ một tuần sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm vừa có cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại New York. Tại cuộc gặp, ông Biden tái cam kết với nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam về chính sách của Washington đối với “một đại dương rộng mở, tự do hải hành, tuân thủ luật pháp quốc tế”, ngụ ý nói đến tình hình ở Biển Đông.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG