Bộ Công Thương Việt Nam ngày 19/3 chỉ trích mức thuế chống bán phá giá mới của Mỹ đối với cá tra, cá basa nhập từ Việt Nam là “không khách quan” và “mang tính bảo hộ quá mức”.
Theo Bộ Công Thương, phía Việt Nam trong thời gian qua đã nỗ lực phối hợp, cung cấp thông tin cho Bộ Thương mại Mỹ (DOC) “nhưng rất tiếc DOC vẫn quyết định sử dụng dữ liệu bất lợi sẵn có (AFA) để xác định mức thuế cuối cùng”, theo VnEconomy.
Trước đó, ngày 15/3, Bộ Thương mại Mỹ ban hành kết luận cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 về thuế chống bán phá giá đối với cá da trơn nhập từ Việt Nam. Theo kết luận này, cá tra, cá basa của Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế từ 2,39 – 7,74 đôla/kg, trong khi mức thuế hiện tại là 4 – 5 đôla/kg. Mức thuế “chưa từng có tiền lệ” này được cho là đã chặn đường vào thị trường Mỹ của cá da trơn Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ Công thương Việt Nam đề nghị Mỹ xem xét và điều chỉnh lại cách tính thuế đối với các doanh nghiệp Việt Nam “trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO, công bằng cho tất cả các bên liên quan”. Bộ này cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp để đưa ra phương án xử lý, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp Việt.
Hồi cuối tháng trước, Việt Nam chính thức khiếu nại lên WTO về việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên các tra, cá basa của Việt Nam, cho rằng các biện pháp hạn chế nhập khẩu của Mỹ “thiếu công bằng” và “thiếu cơ sở khoa học”. Việt Nam yêu cầu WTO giải quyết tranh chấp nếu Mỹ không giải quyết trong vòng 60 ngày.
Ngoài ra, Bộ Công thương Việt Nam còn khiếu nại Mỹ vi phạm Hiệp định ADA khi không dỡ bỏ áp thuế chống bán phá cho một số doanh nghiệp Việt một khi họ đã đáp ứng tiêu chí được dỡ bỏ thuế.
Việt Nam hy vọng sẽ thắng vụ kiện này để được hưởng mức thuế thấp hơn, mở cửa cho cá da trơn Việt Nam tiếp tục được tiêu thụ tại Hoa Kỳ.
Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu ca tra năm 2018 là 2 – 2,2 tỷ đôla, và Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam về loại cá này.