Đường dẫn truy cập

Mỹ đánh thuế nặng thép Việt Nam ‘gốc Trung Quốc’


Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng có đến 90% thép xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ là có xuất xứ từ Trung Quốc.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng có đến 90% thép xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ là có xuất xứ từ Trung Quốc.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm 5/12 quyết định đánh thuế nặng lên các sản phẩm thép của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, sau khi phát hiện nguồn thép này đã đi đường vòng sang Mỹ nhằm tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Hoa Kỳ, theo tin Reuters.

Quyết định này được xem là một chiến thắng của các nhà sản xuất thép Mỹ, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đồng ý với họ rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc.

Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép Trung Quốc hồi năm 2015 và 2016. Ngay sau đó, thép được nhập dồn dập vào Hoa Kỳ từ nhiều ngả khác nhau. Các nhà sản xuất thép của Mỹ phát hiện ra sản phẩm của Trung Quốc được chuyển sang các nước thứ ba để lách thuế nên đã khiếu nại lên cơ quan hữu trách Hoa Kỳ.

Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, chỉ tính riêng Việt Nam, mặt hàng thép cuộn lạnh nhập vào Mỹ năm 2015 đã tăng vọt, từ 11 triệu đôla lên tới 295 triệu đôla.

Do đó, theo quyết định của Bộ, mặt hàng thép không rỉ và thép cuộn lạnh từ Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tương tự như đối với thép nhập từ Trung Quốc. Như vậy, thép cuộn lạnh của Việt Nam sẽ chịu mức thuế 531%, trong khi thép không gỉ sẽ bị đánh thuế 238%, mức thuế được cho là “hơn mức cần thiết” để chặn các sản phẩm trên đi vào thị trường Mỹ.

Trước biện pháp mạnh lần này của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, một chuyên gia kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nói đây là điều “rất đáng tiếc” và chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực lên toàn bộ ngành thép Việt Nam, trong đó có nhiều sản phẩm thép do chính Việt Nam sản xuất. Ông nói:

“Đấy là một điều rất đáng tiếc cho Việt Nam. Việt Nam cần phải nỗ lực để làm sáng rõ nghi vấn này, phải tìm cách đưa ra các biện pháp để chứng minh đó không phải là các mặt hàng Việt Nam nhập từ Trung Quốc để xuất sang Hoa Kỳ. Và từ nay trở đi, nếu có, sẽ không bao giờ lặp lại”.

Công nhân làm việc tại một nhà máy thép ở Hải Dương, Việt Nam.
Công nhân làm việc tại một nhà máy thép ở Hải Dương, Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế của Việt Nam cho biết gần đây, “Bộ Công thương Việt Nam đã xem xét và xác nhận có 34 mẫu hàng thép của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ trùng với mẫu hàng thép mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, không chỉ thép, mà tất cả các sản phẩm từ Trung Quốc đều có giá rẻ “không bình thường” nên nhờ đó có sức hấp dẫn nhất định. Bên cạnh đó, thép do Việt Nam sản xuất cũng có những điểm hạn chế của nó. TS. Lê Đăng Doanh nói:

“Thép của Việt Nam có giá thành khá cao, trong khi Trung Quốc quá thừa thép. Trung Quốc có công suất sản xuất thép lên đến 1.000 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 600 triệu tấn/năm. Cho nên Trung Quốc có nhu cầu xuất khẩu một khối lượng thép rất lớn nên nước này đã có sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’ để xuất khẩu thép và xi măng sang các nước xung quanh, kể cả Việt Nam”.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng nếu muốn trụ được trước sức ép của sản phẩm Trung Quốc, ngành thép Việt Nam cần đổi mới công nghệ để có năng suất cao hơn và tiết kiệm năng lượng hơn, đồng thời phải tìm kiếm thêm cơ hội ở các thị trường khác như Trung Đông và châu Phi.

Quyết định áp thuế của Bộ Thương mại Mỹ được xem là một biện pháp tạm thời, dựa trên khiếu nại của các nhà sản xuất thép Mỹ. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào cuối tháng Giêng năm tới. Từ nay đến lúc đó, Việt Nam vẫn còn cơ hội để thay đổi quyết định của Mỹ nếu chứng minh được xuất xứ thép không phải từ Trung Quốc.

Biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ được đưa ra sau phát hiện hồi tháng trước của Liên minh châu Âu về lượng thép nhập khẩu từ Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc cũng với mục tiêu trốn thuế.

Theo Cơ quan chống gian lận của Ủy ban châu Âu, nhờ cách lách thuế này, thép Trung Quốc đã trốn được 9,6 triệu đôla thuế chống bán phá giá khi đi vào thị trường EU.

VOA Express

XS
SM
MD
LG