Đường dẫn truy cập

Việt Nam mở rộng chống tham nhũng bằng việc trong sạch hóa Đảng


Bộ trưởng Công an Đại tướng Trần Đại Quang đứng cùng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh trong lễ bế mạc QH khóa 12 trong đó ông Quang được cử làm Chủ tịch nước.
Bộ trưởng Công an Đại tướng Trần Đại Quang đứng cùng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh trong lễ bế mạc QH khóa 12 trong đó ông Quang được cử làm Chủ tịch nước.

Hàng trăm ủy viên Ban chấp hành Trung ương vừa nhóm họp ở Hà Nội khẳng định quyết tâm bài trừ tham nhũng và đánh giá các cán bộ một cách nghiêm ngặt hơn.

Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết Hội nghị Trung ương 7 bế mạc hôm 12/5, tập trung quy hoạch cán bộ, thông qua một nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó nêu phương pháp đánh giá cán bộ một cách nghiêm ngặt. Theo truyền thông trong nước, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện lập quy họach cán bộ chiến lược cho “600 cán bộ ưu tú nhất,” để bầu vào 200 chức danh ủy viên trung ương khóa mới (khóa XIII).

Các vụ án tham nhũng ở các giới chức cấp cao đã được đưa ra xét xử năm ngoái khi người dân quá bức xúc về các trường hợp tham ô, hối lộ; từ việc thu phí giao thông bất hợp lý đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bất hợp pháp.

Các nhà phân tích nói chính sách tự chỉnh đốn của Đảng sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong việc kiểm soát tham nhũng và bảo vệ nền kinh tế.

Ông Nguyễn Trung, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Người Việt Nam nay quan tâm nhiều đến tình hình chính trị trong nước, họ muốn theo dõi xem chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đi đến đâu.”

Vào tháng 9, một tòa án ở Hà Nội đã kết án tử hình cựu Chủ tịch công ty dầu khí PetroVietnam và án chung thân cho một viên chức OceanBank trong vụ án tham nhũng lên đến hàng triệu đôla. Vào tháng Giêng, 22 quan chức khác của PetroVietnam và các chi nhánh tập đoàn này bị xét xử.

Một số người nghi ngờ còn rất nhiều quan tham chưa lộ diện.

“Điều chúng ta thấy đây là một phần nhỏ của những gì đang xảy ra”, ông Dustin Daugherty, cộng sự cao cấp của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates nói. “Những vụ này thường được đưa ra tòa và rõ ràng vì lý do chính trị, vì vậy thật khó để thực sự sử dụng nó”.

“Chúng ta không có nhiều thứ để xem xét trong một xã hội tranh tối tranh sáng. Vì vậy, chúng ta phải xem xét và sử dụng nó như một phong vũ biểu, nhưng tôi không chắc phong vũ biểu này tốt như thế nào”, ông nói.

Thanh tẩy từ nội bộ

Theo các nhà quan sát, hiện người đứng đầu đảng đang khiến các đảng viên run sợ sẽ có thêm nhiều vụ tham nhũng bị đem ra xử. Đảng kiểm soát chính phủ, và một số người trong số 4,4 triệu đảng viên của đảng điều hành các doanh nghiệp nhà nước.

Từ năm 1986, Việt Nam đã phát triển kinh tế bằng cách thu hút đầu tư, hiện đang đẩy mạnh tăng trưởng GDP hàng năm vào khoảng 6%.

Một chính phủ sạch hơn sẽ giúp cho lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước, theo bà Hoàng Việt Phương, trưởng phòng nghiên cứu và tư vấn đầu tư tại SSI Securities Services tại Hà Nội. Những công ty này chiếm khoảng một phần ba trong tổng số 221 tỷ đôla GDP.

Chiến dịch chống tham nhũng là “nhất quán, và nó vẫn đang tiếp diễn, bởi vì vẫn còn một số vấn đề pháp lý cần phải được giải quyết”, bà nói.

Bước ngoặc mới

Năm ngoái các vụ bắt giam nghi phạm tham nhũng tràn ngập trên báo chí Việt Nam. Tuần trước, báo VNExpress loan tin công an Việt Nam đã bắt giam hai quan chức của một công ty con của Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam với "cáo buộc nhận lãi ngoài một cách bất hợp pháp từ ngân hàng đang bị bê bối bao trùm OceanBank."

“Đây có thể là một điều tốt trong dài hạn, vì các doanh nghiệp nhà nước sẽ trở nên hiệu quả hơn nhiều,” bà Phương nói. “Tôi thấy thông điệp nhất quán của Đảng là sẽ tiếp tục chống tham nhũng và trong thực tế đã diễn ra nhiều hơn trông đợi. Chúng tôi không nghĩ là chiến dịch sẽ phát hiện được nhiều vụ tham nhũng.”

Trang tin quốc tế VnExpress ngày 7/5 trích lời Tổng Bí thư nói Việt Nam còn “thiếu những người có năng lực làm lãnh đạo.” Báo này nói tiếp rằng nhiều giới chức cao cấp bị dính vào các vụ án tham nhũng. VnExpress International trích lời người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói một số vụ vi phạm “gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước.”

Hội nghị Trung ương 7 đã thông qua một nghị quyết đề ra những biện pháp đánh giá sinh hoạt của đảng viên khách quan hơn, cùng với những biện pháp “kiểm soát quyền hành, ngăn ngừa hối lộ trong việc bổ nhiệm các chức vụ và chống lại chủ nghĩa cá nhân trong công tác nhân sự,” Viet Nam News loan tin ngày thứ Bảy 12/5.

Những tin tức sau đại hội Ban Chấp hành trung ương đảng không đưa ra chi tiết về vai trò của 600 cán bộ ưu tú, nhưng Viet Nam News nói đảng sẽ chọn một “đội ngủ các giới chức cao cấp đặc biệt ở cấp chiến lược với đủ đức tính, khả năng và uy tín phù hợp với nhiệm vụ được giao phó.”

Các giới chức Việt Nam tỏ ra nghiêm chỉnh trong cuộc cải cách này để giữ được sự ủng hộ của quần chúng và làm cho công việc dễ dàng hơn, ông Frederick Burke, đối tác với công ty luật Baker McKenzie ở Thành phố Hồ Chí Minh nói.

“Các nhân vật quan liêu một mặt nỗ lực tìm những cơ hội mới, một mặt ra sức bảo vệ hệ thống hiện có. Có những vi phạm rõ ràng tại những công ty nhà nước mà tôi nghĩ đảng nhận thức được rằng cần phải chấn chỉnh nếu không đảng sẽ mất sự ủng hộ của quần chúng,” ông Burke nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG