Nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không minh bạch hóa tài sản của mình thì người dân sẽ tiếp tục nghi ngờ ông không trong sạch và cuộc chiến chống tham nhũng của ông được coi là không thực tâm.
Đó là nhận định của ba trong số những người ký vào bức thư gửi tới người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đề ngày 6/5, trong đó kêu gọi ông Trọng “hãy làm gương là người công khai ‘Bản kê khai tài sản’ của mình trên báo chí, cổng thông tin điện tử và Internet đầu tiên.’
TBT Trọng, theo 2 nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A và Nguyễn Xuân Diện, và nhà báo tự do Võ Văn Tạo, là người dẫn đầu cuộc chiến chống tham nhũng cho nên ông phải là người “gương mẫu” trong việc minh bạch hóa tài sản của mình “để làm gương cho những người khác làm theo.”
Công khai tài sản để chống tham nhũng
Luật Phòng Chống Tham nhũng của Việt Nam yêu cầu các quan chức chính phủ kê khai tài sản nhưng theo nhận định của Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore với VNExpress, “việc yêu cầu quan chức kê khai tài sản của mình cho thấy không có hiệu quả.”
Theo TS Quang A, các quan chức Việt Nam kê khai tài sản “xong rồi đút ngăn kéo, để biết thế mà thôi”.
Ban bí thư ra quy định như thế. Ông ấy là người đầu trò và ông ấy phải gương mẫu làm đầu tiên mà ông không làm thì có nghĩa là tất cả những lời nói của ông ý và những quyết định của Ban bí thư là không có ý nghĩa gì cả. Tức là toàn bộ là giả dối.Nguyễn Quang A, Tiến sỹ khoa học và Nhà hoạt động
Do đó, ngày 3/10/2017, Ban Bí thư Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó ông Trọng là người đứng đầu, ban hành Quyết định 99 yêu cầu cán bộ và đảng viên các cấp phải công khai tài sản của mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tuy nhiên, theo nhà báo tự do Võ Văn Tạo, việc ban hành quy định này chỉ mang tính “hình thức” và “chưa trở thành thực tế.”
Cho tới thời điểm này “vẫn chưa có một công bố kê khai tài sản nào cả và gây bức xúc trong nhân dân”, theo nhận định của TS Quang A, cũng là một nhà hoạt động xã hội.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện của Viện Nghiên cứu Hán-Nôm Việt Nam cũng nói rằng “cho đến bây giờ tôi chưa thấy có một ông nào, bà nào, một quan chức nào làm việc ấy cả. Ngay cả công khai trên mạng cũng không có.” Người đồng ký tên vào bức thư gửi ông Trọng tỏ ra bức xúc khi cho biết “trong khi đó trước đây khi ứng cử đại biểu quốc hội, chúng tôi công khai toàn bộ tài sản và lý lịch của chúng tôi lên trên mạng để mọi người biết.”
“Chúng tôi làm việc này (gửi thư tới ông Trọng) là để bày tỏ một sự tán thưởng đối với công cuộc chống tham nhũng và chúng tôi ghi nhận kết quả bước đầu của công cuộc chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra.”
Theo các chuyên gia thì cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng bí thư Trọng lãnh đạo đã đụng đến “những nơi nhạy cảm” từng được coi là “vùng cấm” với các vụ đại án đánh vào các quan chức cấp cao và các nhóm lợi ích đầy quyền lực. Lần đầu tiên một ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, bị kết án trong cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Trọng ví von là “đốt lò.”
Vì sao vẫn còn người ủng hộ Nguyễn Phú Trọng 'chống tham nhũng'
Thường những cán bộ Đảng viên có chức có quyền ít khi họ kê thật. Họ giấu bớt tài sản nhưng tai mắt nhân dân thì rất nhiều.Võ Văn Tạo, nhà báo tự do
Tuy nhiên những nhà quan sát chính trường Việt Nam cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng, hiện đã lan sang cả ngành ngân hàng và công an, là một cuộc thanh trừng nội bộ và mang mục tiêu chính trị.
Việc không công khai tài sản của các quan chức chính phủ sẽ tạo thêm tiêu cực và càng thêm tham nhũng trong xã hội, theo nhà báo Tạo và ông cho rằng “chỉ có con đường duy nhất là kê khai và phải công khai để người dân giám sát.”
“Thường những cán bộ Đảng viên có chức có quyền ít khi họ kê thật. Họ giấu bớt tài sản nhưng tai mắt nhân dân thì rất nhiều,” theo ông Tạo, người từng viết cho báo nhà nước.
Theo chỉ số tham nhũng của Transparency International công bố năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 107 trên 180 quốc gia được khảo sát.
Không công khai thì “mất mặt”
Mặc dù cùng ký vào bức thư gửi ông Trọng, nhưng cả TS Quang A, TS Diện và nhà báo Tạo đều không kỳ vọng việc ông Trọng sẽ hồi đáp hay công khai tài sản của mình ra công chúng.
Nhưng theo họ, nếu ông Trọng không công khai tài sản để làm gương thì người dân sẽ tiếp tục mất lòng tin vào Đảng.
Trước đây khi ứng cử đại biểu quốc hội, chúng tôi công khai toàn bộ tài sản và lý lịch của chúng tôi lên trên mạng để mọi người biết.Nguyễn Xuân Diện, TS Viện Nghiên cứu Hán-Nôm
“Thì người dân có quyền tiếp tục nghi ngờ là các ông không sạch sẽ gì trong chuyện là tài sản có vấn đề. Và như vậy là bất chấp đòi hỏi chính đáng của người dân," theo nhà báo Tạo. "Mà chính (yêu cầu công khai tài sản) là quy định của nội bộ Đảng. Trung ương Đảng ra quyết định như thế nên chúng tôi yêu cầu ông, là đảng viên – đặc biệt là đảng viên cao cấp và lãnh đạo đảng thì phải chấp hành các quy định của Đảng. Nếu không làm thì ông ý tự bộc lộ bộ mặt và thực chất của ông ý.”
TS Quang A nói nếu ông Trọng không thực hiện yêu cầu này thì sẽ “mất mặt.”
“Ban bí thư ra quy định như thế. Ông ấy là người đầu trò và ông ấy phải gương mẫu làm đầu tiên mà ông không làm thì có nghĩa là tất cả những lời nói của ông ý và những quyết định của Ban bí thư là không có ý nghĩa gì cả. Tức là toàn bộ là giả dối.”
Nhưng vị tiến sỹ từng viết cuốn sách "Tham nhũng và Nhân quyền Việt Nam" hy vọng rằng ông Trọng “đủ khôn để không bị lâm vào cảnh trớ trêu như vậy.”