Đường dẫn truy cập

Việt Nam không bị Mỹ chế tài vì mua vũ khí của Nga


Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa), Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang (phải) tại Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng 11/2017. Hoa Kỳ Hoa Kỳ quyết định không chế tài Việt Nam nhưng muốn Việt Nam giảm dần việc phụ thuộc vào hệ thống vũ khí của Nga và chuyển sang mua nhiều vũ khí từ Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa), Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang (phải) tại Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng 11/2017. Hoa Kỳ Hoa Kỳ quyết định không chế tài Việt Nam nhưng muốn Việt Nam giảm dần việc phụ thuộc vào hệ thống vũ khí của Nga và chuyển sang mua nhiều vũ khí từ Mỹ.

Việt Nam nằm trong số 3 quốc gia duy nhất được miễn trừng phạt của Mỹ đối với những nước đang mua vũ khí của Nga.

Các nhà lập pháp Mỹ hôm 23/7 nhất trí để cho Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia được tiếp tục mua thiết bị quân sự của Nga mà không phải đối mặt với các lệnh chế tài bắt buộc của Mỹ.

Thượng nghị sỹ Jim Inhofe, người giúp thảo một phần trong dự luật chính sách quốc phòng hàng năm của Mỹ, cho The Daily Beast biết rằng Việt Nam và 2 đồng minh của Mỹ ở châu Á sẽ không nằm trong danh sách các nước bị trừng phạt nặng bởi các lệnh chế tài được thông qua và có hiệu lực từ năm ngoái.

Đạo luật này được Quốc hội Mỹ thông qua để trừng phạt Moscow vì đã gây bất ổn, trong đó có việc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Trong đạo luật có tên Chống những kẻ thù của Mỹ thông qua chế tài (CAATSA) có yêu cầu chế tài đối với những nước có giao dịch với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa đại diện tiểu bang Oklahoma giải thích trong một cuộc phỏng vấn ngắn với trang tin tức chuyên về chính trị của Mỹ rằng Việt Nam và 2 quốc gia nói trên nằm trong danh sách các nước đang mua vũ khí của Nga trước khi thực hiện kế hoạch chuyển tiếp.

Vào tháng 4 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis yêu cầu các nhà lập pháp cho phép các miễn trừ an ninh quốc gia đặc biệt cho các đồng minh của Mỹ hiện đang mua các hệ thống vũ khí của Nga nhưng có ý định cuối cùng sẽ ngừng mua. Ông Mattis, giới chức đi thăm Hà Nội tháng 1 năm nay, nêu tên Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia cho danh sách miễn trừ này, theo Denfense News.

Bộ trưởng Mattis cho rằng nếu không miễn trừ cho những nước này thì Mỹ sẽ “tự làm mình tê liệt” vì 3 nước châu Á này cần có vũ khí để đảm bảo an ninh quốc gia của họ trong khi chuyển sang mua vũ khí của Mỹ.

Theo bản tóm tắt của luật quốc phòng được đưa ra tối hôm 23/7, chính quyền Mỹ được yêu cầu phải chứng nhận xem liệu Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia có thể tiếp tục được miễn trừ các chế tài hay không, theo Daily Beast. Điều này có nghĩa là những quốc gia kể trên phải cho thấy rằng họ đang giảm đáng kể sự phụ thuộc vào hệ thống vũ khí của Nga.

Việt Nam có một lịch sử lâu đời mua vũ khí của Nga, nước cung cấp khí giới với giá rẻ hơn của Mỹ, theo Defense News.

Tuy nhiên, theo chuyên gia về Đông Nam Á Collin Koh Swee Lean thuộc khoa nghiên cứu quốc tế của Đại học S Rajaranam, “Hà Nội đang trở nên chán ngán với chính sách mua bán vũ khí của Nga” trong đó có nhiều trở ngại trong việc tiếp cận với sự chuyển giao công nghệ của Nga.

Cũng theo nhà nghiên cứu này, một nguyên nhân khác là việc Nga bán vũ khí cho Trung Quốc. Ông Lean nhận định rằng “Moscow, có thể theo yêu cầu của Bắc Kinh, ngưng cung cấp vũ khí cho Việt Nam trong bối cảnh có những xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc.”

Việt Nam trong những năm gần đây đã tăng cường chi tiêu cho quốc phòng đặc biệt kể từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không ngừng bồi đắp các đảo nhân tạo cũng như quân sự hóa Biển Đông.

Từ giữa năm 2005 và 2014, chi tiêu cho quốc phòng của Việt Nam tăng 400%, theo dữ liệu từ trang web của Bộ Thương mại Mỹ. Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa gia tăng mua vũ khí của Mỹ mặc dù đã được bỏ lệnh cấm mua vũ khí sát thương của Hoa Kỳ vào năm 2016, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Theo Bộ này, Mỹ muốn thấy Việt Nam tránh xa các hợp đồng mua vũ khí từ Nga và mua nhiều vũ khí của Mỹ hơn.

Trong dịp tới Việt Nam vào tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trực tiếp chào mời các nhà lãnh đạo Hà Nội mua thiết bị quân sự của Mỹ, nhất là máy bay và tên lửa.

Nhận định về việc đôi bên vẫn chưa ký kết bất kỳ thỏa thuận mua bán vũ khí nào kể từ khi người tiền nhiệm của ông Trump, cựu Tổng thống Barack Obama, thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương khi tới thăm Việt Nam năm 2016, cựu trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear nói với VOA tiếng Việt vào năm ngoái rằng “các hợp đồng mua bán vũ khí thường rất phức tạp và mất nhiều thời gian để thương lượng”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG