Một tòa án ở Hà Nội hôm 15/8 tuyên án 5 năm tù giam đối với ông Nguyễn Chí Tuyến vì “tuyên truyền chống nhà nước”, một tội danh mà luật sư bào chữa cho nhà hoạt động nổi danh này nói rằng ông Tuyến không nhận vì “không phạm tội.”
Ông Tuyến, một thành viên sáng lập của phong trào No-U phản đối đường “lưỡi bò” và từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, bị cơ quan an ninh của Bộ Công an bắt giam hồi tháng 3 với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước” theo điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015.
“Anh Tuyến bị tuyên 5 năm tù,” Luật sư Lê Đình Việt cho VOA biết sau phiên tòa tại Hà Nội hôm 15/8. “Anh Tuyến (và) các luật sư bào chữa trong suốt phiên tòa đều đưa ra các căn cứ để chứng minh rằng những căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Tuyến là không phù hợp với quy định của pháp luật. Chúng tôi khẳng định rằng anh Tuyến không phạm tội theo quy định tại điều 117.”
Đây là bản án mới nhất mà chính quyền Việt Nam, do Đảng Cộng sản cầm quyền vốn duy trì kiểm duyệt chặt chẽ phương tiện truyền thông trong khi ít dung thứ cho bất đồng chính kiến, tuyên cho một nhà hoạt động.
Ngoài việc phản đối hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Tuyến cũng đã tham gia các cuộc biểu tình về môi trường và lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động khác bị bỏ tù cũng như viết về các vấn đề chính trị xã hội của Việt Nam trên các tài khoản mạng xã hội cá nhân. Kênh YouTube “Anh Chí Râu Đen” của ông đã đăng tải hàng nghìn đoạn video và có 98.000 người đăng ký theo dõi trong khi một kênh YouTube khác mà ông sử dụng, AC Media, có hơn 1.000 video và gần 60.000 người đăng ký.
Theo LS Việt, một trong 4 luật sư bào chữa cho ông Tuyến tại phiên tòa hôm 15/8, Viện Kiểm sát đã sử dụng 2 video clip mà ông Tuyến làm và phát trên mạng xã hội – một bàn luận về việc chủ tịch Tập đoàn VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo tài trợ 155 triệu bảng Anh cho trường Đại học Oxford và một thảo luận về các phương pháp phòng chống tham nhũng ở Việt Nam – làm căn cứ buộc tội đối với nhà hoạt động này.
Mô tả về nội dung video của buổi thảo luận các biện pháp phòng chống tham nhũng mà ông Tuyến thực hiện, LS Việt cho biết rằng một người tham gia đưa ra ý kiến rằng “phải có một sự thay đổi về chính trị, tức là thực hiện chính sách đa đảng để các đảng kiểm soát quyền lực của nhau, giám sát lẫn nhau.”
“Anh (Tuyến) nói rằng trong các quan điểm nêu ra thì quan điểm đó là phù hợp với quan điểm của anh ấy,” LS Việt nói về đoạn video. “Anh (Tuyến) đã bình luận sâu hơn về vấn đề đa nguyên và đa đảng để đảm bảo việc giám sát lẫn nhau trong phòng chống tham nhũng, và cơ quan tiến hành tố tụng đã dựa vào quan điểm của anh ấy để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh ấy.”
Mô tả những lời bào chữa của ông Tuyến tại phiên tòa, LS Việt cho biết “anh Tuyến nói rằng việc mình làm 2 video clip mà bị truy cứu trách nhiệm là do bản thân thực hiện (quyền) tự do ngôn luận và tự do biểu đạt và anh khẳng định rằng những cái đưa ra hoàn toàn theo quan điểm cá nhân… và nội dung của 2 clip đó không nhắm đến một đối tượng cụ thể nào nên hành vi của anh là không phạm tội.”
Một ngày trước phiên tòa xét xử và tuyên án, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Tuyến và kêu gọi thả ông ngay lập tức.
“Chính quyền Việt Nam nhắm vào Nguyễn Chí Tuyến vì ông đã bày tỏ quan điểm trái ý họ,” bà Patricia Gossman, phó giám đốc Ban Á châu của HRW nói trong thông cáo đưa ra hôm 14/8, và yêu cầu Việt Nam ngừng bỏ tù những người lên tiếng chỉ trích ôn hòa cũng như sửa đổi các điều luật hà khắc.
Phiên tòa xét xử ông Tuyến diễn ra ngay sau khi ông Tô Lâm nhậm chức Tổng bí thư Đảng. Theo thống kê của HRW, Bộ Công an mà ông Tô Lâm lãnh đạo với tư cách bộ trưởng trong thời gian từ tháng 4/2016 đến tháng 5/2024 “đã bắt giữ ít nhất 269 người chỉ vì thực hiện các quyền dân sự và chính t rị cơ bản của họ một các ôn hòa.”
Sau vụ bắt giữ ông Tuyến hồi tháng 3, Bộ Công an nói trong một tuyên bố rằng “không có tù nhân lương tâm và không có chuyện bắt giữ người dân vì tự do bày tỏ quan điểm của mình ở Việt Nam.”
LS Đặng Đình Mạnh, người từng bào chữa cho các nhà hoạt động và dân oan ở Việt Nam nhưng hiện đang sống lưu vong ở Mỹ, nói trong một đăng tải trên trang Facebook cá nhân trước phiên xét xử ông Tuyến rằng “không ai trong chúng ta chờ đợi gì về công lý trong phiên tòa ấy, vì chẳng có gì phi lý hơn khi chỉ yêu nước mà đã thành tội.”
LS Việt cho biết ông Tuyến sẽ đưa ra cân nhắc về việc kháng cáo trong thời hạn 15 ngày sau khi bị kết án và nói rằng ông sẵn sàng giúp bào chữa cho ông Tuyến ở cấp phúc thẩm.
Diễn đàn