Tính đến ngày 14/11, Việt Nam đã tiêm hơn 99,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, trong đó gần 64,5 triệu liều để tiêm mũi 1 và hơn 35 triệu liều để tiêm mũi 2, theo bản tin của Bộ Y tế. Tính chung, ở thời điểm hiện nay, 65,5% dân số của đất nước được tiêm ít nhất 1 mũi.
Theo trang thống kê dữ liệu về thế giới Ourworldindata của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế độc lập, Việt Nam đang đứng thứ 20 trong số các nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất, ngay dưới Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thấp hơn nhiều so với các nước có tỷ lệ tiêm từ 80% trở lên như Cuba, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia…
Mặc dù vậy, tỷ lệ của Việt Nam cao hơn mức trung bình của thế giới (52%), ngoài ra cũng cao hơn một số nước gồm Thái Lan, Indonesia, Phillipines, Ấn Độ, Nga…
Trong những ngày gần đây, Việt Nam tiêm vaccine cho hơn 1 triệu dân mỗi ngày, ngoại trừ hôm 14/11 là thứ Bảy chỉ tiêm được gần 850.000 mũi, Bộ Y tế Việt Nam loan báo.
Với tốc độ như vậy, hầu như chắc chắn rằng đến hết ngày 15/11, tổng số liều vaccine được tiêm sẽ đạt hơn 100 triệu, và nhiều khả năng trong vòng 1 tháng nữa, Việt Nam – đất nước có khoảng 98 triệu dân – sẽ tiêm đủ 2 mũi cho 70% dân số.
Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam cho biết hôm 15/11 rằng đất nước đã tiếp nhận 135 triệu liều vaccine và dự kiến sẽ nhận tổng cộng 190 triệu liều vào cuối năm nay, vượt mục tiêu 150 triệu liều do chính phủ đề ra trước đây, nhờ vậy sẽ “đẩy nhanh việc hiện thực hóa mục tiêu bao phủ vaccine ngay trong năm nay”.
Như VOA đã đưa tin, thời gian qua, chính phủ Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động mang tên “ngoại giao vaccine” với kết quả là nhiều nước viện trợ hoặc tặng từ vài trăm ngàn tới hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Việt Nam, bên cạnh đó là nhiều máy móc, vật liệu y tế để giúp Việt Nam phòng, chống dịch.
Mỹ là một trong số vài nước viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam, với cam kết hỗ trợ hơn 30 triệu đô la và hơn 15 triệu liều vaccine đã được giao trong 7 đợt.
Tuy tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam được giới quan sát quốc tế đánh giá là nhanh, song số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày của đất nước vẫn ở mức cao và trên đà tăng trong gần 1 tháng trở lại đây.
Từ mức khoảng 3.000 ca nhiễm/ngày hôm 19/10, đến tuần thứ hai của tháng 11, số ca nhiễm hàng ngày thường xuyên ở mức khoảng 8.000 ca. Riêng hôm 12/11, số ca dương tính mới lên đến gần 9.000. Hôm 15/11, số ca là hơn 8.600.
Về số ca tử vong vì dịch, Bộ Y tế Việt Nam cho biết mức trung bình mỗi ngày trong 7 ngày gần đây là 84 ca, thấp hơn rất nhiều so với mức hàng trăm người thiệt mạng mỗi ngày hồi hai tháng 7 và 8, khi dịch đạt mức đỉnh điểm và Việt Nam đã phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở nhiều tỉnh, thành, làm hàng triệu người lâm vào cảnh khốn đốn, cùng cực.
Trong một phiên họp của quốc hội, một phó thủ tướng của Việt Nam, ông Vũ Đức Đam, thừa nhận hôm 10/11 rằng đã có những “quá tải, bất cập trong quản lý điều hành” và các cơ quan nhà nước “sẽ nghiêm túc tiếp thu, từng bước chắc chắn, khẩn trương khắc phục, vì không thể để đợt dịch gây đau thương, tổn thất lớn như vừa rồi”.
Ông Đam cũng cho biết rằng chính phủ đang tính đứng ra mua các bộ xét nghiệm để người dân được xét nghiệm với giá rẻ hơn và trong thời gian tới Việt Nam sẽ “không cách ly như cũ, để mọi người thực sự bình thường mới như các nước đang làm”.