Đường dẫn truy cập

Việt Nam chống ‘giặc’ COVID thành công ‘vì quá hiểu Trung Quốc’


Người dân Hà Nội ra đường hôm 23/4 sau khi Việt Nam nới lỏng lệnh cách ly trên toàn xã hội trong 3 tuần liên tiếp. Hà Nội thực hiện những biện pháp quyết liện ngay từ đầu vì đã không tin tưởng vào những gì Trung Quốc đưa ra về sự bùng phát dịch virus corona.
Người dân Hà Nội ra đường hôm 23/4 sau khi Việt Nam nới lỏng lệnh cách ly trên toàn xã hội trong 3 tuần liên tiếp. Hà Nội thực hiện những biện pháp quyết liện ngay từ đầu vì đã không tin tưởng vào những gì Trung Quốc đưa ra về sự bùng phát dịch virus corona.

Cốt lõi của việc Việt Nam tiến hành các biện pháp quyết đoán từ sớm và cho tới nay được coi là thành công đó là sự ‘nghi ngờ’ của Hà Nội về những gì Bắc Kinh công bố về dịch bệnh này.

Việt Nam đang được quốc tế ca ngợi vì sự thành công trong cuộc chiến chống virus corona dù với những nguồn lực hạn chế và kinh phí không nhiều trong khi các nước phát triển phương Tây lại đang vật lộn với đại dịch này.

Với hơn 1.400km đường biên giới với nước láng giềng phương Bắc và được xem là nơi có nguy cơ trở thành ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, nhưng Việt Nam chỉ có 270 ca nhiễm mà không có ca tử vong nào sau 3 tháng thực hiện các biện pháp quyết liệt, tương tự như Trung Quốc, trong đó có quyết định gây nhiều tranh cãi khi đóng cửa các trường học trên cả nước từ khi chưa có ca nhiễm nào.

Bên cạnh việc đóng cửa tất cả các trường học từ cuối tháng 1, Việt Nam còn sớm đóng cửa biên giới với Trung Quốc, cô lập trên diện rộng các khu vực có người lây nhiễm cũng như thực hiện cách ly tập trung tại các doanh trại quân đội từ đầu tháng 2 khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa coi đây là một đại dịch.

“Điều đó khá là ấn tượng,” Huong Le Thu, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia, nói. “Tôi thận trọng khi gọi Việt Nam là một câu chuyện thành công. Còn quá sớm để coi là hết nguy hiểm. Nhưng những biện pháp đó khá là hiệu quả cho đến lúc này,” theo bà Huong Le Thu nói với Los Angeles Times.

Việc truy dấu sự tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh cũng được coi là một biện pháp hiệu quả mà Việt Nam tiến hành để “chống giặc COVID.” Tháng trước, hơn 300 nhân viên y tế, công an, bộ đội và thường dân đã được huy động để truy dấu những người tiếp xúc với một phi công người Anh được cho là nguồn lây nhiễm virus corona tại bar Buddha ở TP HCM. Chính quyền đã phong toả nhiều cơ quan và các khu chung cư với hàng nghìn người ở liên quan đến vụ này.

“Chỉ có một số ít các quốc gia có thể kiểm soát và huy động nhiều nguồn lực lớn đến như vậy,” theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore. “Ở Việt Nam, họ có thể làm điều đó,” ông Hiệp nói với LA Times và cho rằng đó một phần là vì Việt Nam có một “hệ thống chính trị được thiết lập để đối phó với những tình huống đó. Nó không phải lúc nào cũng tốt nhưng nó có tác dụng khi có khủng hoảng.”

Dù nhiều người còn nghi ngờ về tỷ lệ nhiễm bệnh thấp của Việt Nam, các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ – hiện đang giúp Việt Nam trong việc xét nghiệm, phân tích dữ liệu và truy dấu tiếp xúc – nói họ “không thấy bất cứ một biểu hiện nào cho thấy những số liệu đó là sai.”

‘Không tin Trung Quốc’

Cốt lõi của việc Việt Nam tiến hành các biện pháp quyết đoán từ sớm và cho tới nay được coi là thành công đó là sự ‘nghi ngờ’ của Hà Nội về những gì Bắc Kinh công bố về dịch bệnh này.

“Việt Nam quá hiểu Trung Quốc để biết lúc nào có thể tin được họ,” một người dân Hà Nội và Đảng viên Cộng sản, không muốn được nêu tên, cho biết. Giải thích điều này, ông nói rằng vì cả Việt Nam và Trung Quốc đều là 2 thể chế Cộng sản nên họ “hiểu nhau” nhất là trong những việc tuyên truyền và kiểm duyệt thông tin – cái gì được đưa ra và cái gì không. Theo ông, Việt Nam thực hiện các biện pháp “gay gắt” ngay từ đầu vì không tin vào những số liệu mà Trung Quốc đưa ra.

Điều này cũng trùng khớp với những gì các nhà phân tích nói khi cho rằng mối quan hệ bất ổn giữa Hà Nội và Bắc Kinh là nguyên nhân ảnh hưởng tới sự đối phó của Việt Nam trước sự bùng phát dịch.

Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc thông báo ca tử vong đầu tiên của virus có nguồn gốc từ Vũ Hán vào này 11/1 – trước khi Việt Nam ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào – thì Bộ Y tế ở Hà Nội đã có một cuộc họp cấp cao với các quan chức của Mỹ và WHO để đưa ra kế hoạch khống chế dịch, theo LA Times.

Trung tâm của mối lo ngại này là vì sự nghi ngờ của Việt Nam khi cho rằng “quy mô của sự bùng phát cao hơn nhiều so với những gì Trung Quốc chính thức đưa ra,” theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp.

Trung Quốc sau này đã bị Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc là không đưa ra dữ liệu đầy đủ về số người chết cũng như tìm cách che dấu các báo cáo ban đầu về sự lây lan nhanh chóng của chủng virus corona mới.

Sự không tin tưởng của Việt Nam còn được chứng minh qua việc Hà Nội bí mật theo dõi Trung Quốc thông qua các tin tặc.

Tuần này, công ty an ninh mạng của Mỹ FireEye cho biết rằng các hacker có liên hệ với chính phủ Việt Nam đã tìm cách xâm nhập các tổ chức của nhà nước Trung Quốc ở Vũ Hán để tìm hiểu về các nỗ lực đối phó với sự bùng phát dịch của Bắc Kinh, mặc dù Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó đã phủ nhận điều này.

“Việt Nam hiểu Trung Quốc hơn bất cứ quốc gia nào khác,” nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nói với LA Times. “Do có các hệ thống chính trị giống nhau, họ biết Trung Quốc hoạt động như thế nào, và họ biết những nguy cơ và những bất lợi của các hệ thống đó. Họ biết có thể các dữ liệu của Trung Quốc có vấn đề. Do vậy để đối phó với Trung Quốc, Việt Nam rất là thận trọng.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG