Đường dẫn truy cập

Chính phủ hay bác sỹ - người Việt đặt niềm tin vào đâu giữa đại dịch?


Một nhân viên y tế và một nhân viên quân đội dưới lớp khẩu trang bảo vệ tại bệnh viện Thần kinh trong thời gian cách ly dịch COVID-19 tại Hà Nội hôm 14/4. Một khảo sát của Gallup cho thấy người dân Việt Nam tin tưởng y bác sỹ hơn chính phủ trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ.
Một nhân viên y tế và một nhân viên quân đội dưới lớp khẩu trang bảo vệ tại bệnh viện Thần kinh trong thời gian cách ly dịch COVID-19 tại Hà Nội hôm 14/4. Một khảo sát của Gallup cho thấy người dân Việt Nam tin tưởng y bác sỹ hơn chính phủ trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ.

Mặc dù các nhà lãnh đạo Việt Nam đang được khen ngợi vì đã làm tốt trong việc đối phó với đại dịch COVID-19, nhưng theo một khảo sát của Gallup, người dân Việt Nam tin tưởng bác sỹ hơn chính phủ về mặt chăm sóc sức khoẻ.

Việt Nam, quốc gia có hơn 1.400km đường biên giới với Trung Quốc – nơi khởi phát dịch virus corona – được coi là có nguy cơ cao trở thành ổ dịch tiếp theo do có một hệ thống chăm sóc y tế yếu và ngân sách thấp để đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ có 268 trường hợp nhiễm bệnh tính đến ngày 17/4, trong đó có hơn 2/3 số người đã được chữa khỏi bệnh và không có ca tử vong nào, theo thống kê của Bộ Y tế. Con số này là rất nhỏ so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Mỹ, nước đứng đầu về con số ca nhiễm, hơn 678.000, với hơn 34.000 người tử vong.

Chính phủ Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Mỹ ca ngợi về sự phản ứng nhanh cũng như việc đối phó tốt với đại dịch virus corona.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã phát động chiến dịch chống đại dịch COVID-19 như một cuộc “chiến tranh” chống vào kẻ thù vô hình, và gọi đây là “Cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020”, với hy vọng sẽ giành được thành quả như họ nói đã làm trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân năm 1968 trước kẻ thù của họ lúc đó là Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người đang lãnh đạo chiến dịch chống COVID-19 của Việt Nam, thường lên tiếng kêu gọi người dân cùng đồng lòng giúp chính phủ trong việc “chống dịch như chống giặc này.”

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với VOA, ông Trần Đắc Phu, cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam, cho biết rằng người dân trong nước tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính phủ trong chiến dịch chống COVID-19.

Tuy nhiên, khi nói đến việc đặt lòng tin vào đâu trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ thì người dân Việt Nam lại hướng về bác sỹ và y tá nhiều hơn là chính phủ, theo khảo sát được tiến hành trước khi dịch COVID-19 bùng phát của Gallup, công ty chuyên cung cấp các dữ liệu phân tích và tư vấn của Mỹ có trụ sở chính ở thủ đô Washington.

Khảo sát này cho thấy, 78% người dân Việt Nam tin tưởng vào bác sỹ và y tá trong khi có 69% người dân nói họ tin vào chính phủ khi tìm lời khuyên về sức khoẻ.

Bùi Sơn, một người dân Hà Nội nói với VOA rằng chính phủ đang làm tốt công việc dập dịch COVID và trong giai đoạn này, theo quan điểm của anh, không thể tách rời vai trò của chính phủ và các y bác sỹ vì họ đang làm theo những gì mà các nhà lãnh đạo ở trên giao xuống.

Nhưng anh Sơn cũng cho biết anh đặt lòng tin vào những người có chuyên môn về y tế hơn là các quan chức chính phủ khi tìm kiếm lời khuyên chung về sức khoẻ.

Trên các phương tiện truyền thông chính thống trong nước, nhiều hình ảnh về những người bệnh được chữa khỏi virus corona, trong đó có nhiều người nước ngoài, đã công khai cám ơn các bác sỹ Việt Nam vì sự chăm sóc và điều trị của họ.

Mặc dù đa số người dân Việt Nam tin tưởng vào bác sỹ và y tá hơn chính phủ trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ, khảo sát của Gallup cũng cho thấy rằng số lượng người đặt lòng tin rất nhiều vào giới y bác sỹ lại chiếm thiểu số - 20% - so với 60% lượng người nói họ tin phần nào.

Giải thích về điều này, anh Sơn đưa ra ví dụ về những lời khuyên “thiếu chuyên môn” do các bác sỹ ở Việt Nam đưa ra khi đại dịch chưa lan từ Trung Quốc sang Việt Nam.

“Ví dụ ông Đỗ Duy Cường, giám đốc trung tâm bệnh nhiệt đới ở Bệnh viện Bạch Mai chẳng hạn," anh Sơn nói. "Ông ấy nói bệnh này lây lan hạn chế nhưng trên thực tế Bệnh viện Bạch Mai bây giờ là ổ dịch lớn nhất cả nước.”

Anh Sơn nói anh ít tin tưởng vào các bác sỹ ở tuyến địa phương - cấp tỉnh và huyện - vì anh đã được chứng kiến những trường hợp chẩn đoán bệnh sai, do đó đưa ra phác đồ điều trị không đúng nên người bệnh không được chữa khỏi. Khi xin lời khuyên của bác sỹ về vấn đề chăm sóc sức khoẻ, anh Sơn nói anh vẫn luôn phải tự tìm kiếm thông tin thêm trên mạng và những người khác có chuyên môn về vấn đề đó.

Theo nhận định của Gallup, số lượng lớn người dân sống ở nông thôn và sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khoẻ giữa các vùng thành thị và nông thôn có thể là một phần nguyên nhân của sự thiếu tin tưởng đó.

VOA Express

XS
SM
MD
LG