Đường dẫn truy cập

Viện trợ nhân đạo vào Gaza thông qua cầu tàu Mỹ mới xây


Ngoại trưởng Síp Constantinos Kombos họp báo tại Bộ Ngoại giao Síp ở Nicosia, ngày 11/4/2024 loan báo việc cộng tác với Hoa Kỳ để chở hàng cứu trợ bằng đường biển đến Gaza.
Ngoại trưởng Síp Constantinos Kombos họp báo tại Bộ Ngoại giao Síp ở Nicosia, ngày 11/4/2024 loan báo việc cộng tác với Hoa Kỳ để chở hàng cứu trợ bằng đường biển đến Gaza.

Các xe tải ngày 17/5 bắt đầu chuyển hàng viện trợ qua một cầu tàu tạm thời, do Mỹ xây dựng, ngoài khơi Dải Gaza, nơi mà theo Liên hiệp quốc, nạn đói đang rình rập hàng trăm nghìn người và cuộc chiến khốc liệt giữa Israel và Hamas có nguy cơ làm chệch hướng các hoạt động viện trợ nhân đạo.

Theo Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ CENTCOM, các phương tiện chở hàng viện trợ nhân đạo bắt đầu di chuyển vào bờ qua cầu tàu lúc 9 giờ sáng.

CENTCOM cho biết cầu tàu nổi đã được quân đội Hoa Kỳ lắp ráp sẵn tại cảng Ashdod của Israel và chuyển đến bờ Gaza trong tuần này, cho phép một số quốc gia và tổ chức nhân đạo chuyển hàng viện trợ vào Gaza.

CENTCOM cho biết không có lính Mỹ nào lên bờ.

Các quan chức chính quyền Mỹ nói hàng hóa sẽ phải chịu sự kiểm tra an ninh của Israel tại Síp trước khi đến cầu tàu và sẽ phải đi qua các trạm kiểm soát bổ sung của Israel sau khi cập bến.

Tuy nhiên, Liên hiệp quốc cho rằng các đoàn xe tải đến bằng đường bộ là phương pháp “khả thi, hữu hiệu và hiệu quả nhất” để đưa viện trợ vào Gaza.

Phó phát ngôn viên Liên hiệp quốc Farhan Haq nói: “Để ngăn chặn nạn đói khủng khiếp, chúng ta phải sử dụng con đường nhanh nhất và rõ ràng nhất để tiếp cận người dân Gaza - và để làm được điều đó, chúng ta cần tiếp cận bằng đường bộ ngay bây giờ”.

Các trận chiến khốc liệt khắp khu vực đã cản trở việc cung cấp viện trợ nhân đạo và các nhóm viện trợ cảnh báo rằng điều kiện quá nguy hiểm và không ổn định để công nhân có thể cung cấp hỗ trợ ở đó một cách an toàn.

Nhiều người lo ngại rằng giữa lúc chiến tranh Israel-Hamas leo thang, các nhóm viện trợ có thể buộc phải ngừng hoạt động.

Người đứng đầu một tổ chức từ thiện châu Âu nói với AFP: “Có những nhu cầu rất lớn” chắc chắn sẽ tăng lên, trong khi “ngày càng có ít khả năng tiếp cận”.

Một nhân viên của tổ chức phi chính phủ Humanity & Inclusion ở Gaza cho biết: “Chúng tôi không thể đưa toán của mình ra ngoài; điều kiện an ninh hết sức không ổn định.”

Cửa khẩu Rafah - một hành lang viện trợ nhân đạo quan trọng ở biên giới Ai Cập - đã bị đóng cửa kể từ khi quân đội Israel tiến hành cái mà họ gọi là chiến dịch “có giới hạn” tại thành phố Rafah vào ngày 7 tháng 5, gây ra một cuộc di tản của người Palestine để tìm kiếm sự an toàn ở xa hơn về phía bắc Gaza.

Liên hiệp quốc và các nhóm viện trợ khác cho rằng Israel cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đưa viện trợ vào Gaza, nơi đã bị tàn phá bởi chiến tranh kể từ khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự nhằm đáp trả cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10/2023. Hamas bị Hoa Kỳ, Anh và các nước khác chỉ định là một tổ chức khủng bố.

Israel nói họ đang tăng cường nỗ lực đưa viện trợ vào Gaza và quân đội cho biết 365 xe tải viện trợ đã đi qua các cửa khẩu Kerem Shalom và Erez hôm 16/5, chở theo bột mì và nhiên liệu.

Ngoài ra, hàng trăm chiếc lều đã được chuyển giao dành cho những người sơ tán từ Rafah đến khu vực al-Mawasi, nơi Israel tuyên bố là khu vực nhân đạo.

Trong một tuyên bố, lực lượng Phòng vệ Israel nói sẽ tiếp tục nỗ lực cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trận chiến khốc liệt ở phía bắc

Trong khi đó, lực lượng Israel ngày 17/5 đã vướng vào một cuộc chiến tranh đô thị khốc liệt trong các con hẻm chật hẹp của Jabalia nhằm chống lại các phần tử Hamas đang tái xuất hiện ở phía bắc Gaza.

Trưởng phát ngôn viên quân đội Daniel Hagari cho biết lực lượng Israel đã tìm thấy thi thể của ba con tin ở Dải Gaza.

Ông Hagari xác định các con tin là Shani Louk, Amit Buskila và Itzhak Gelerenter, những người mà ông nói đã bị Hamas giết tại lễ hội âm nhạc Nova và thi thể của họ được đưa về Gaza.

Người dân trong khu vực cho biết, các xe bọc thép của Israel đã tiến vào trung tâm Jabalia, trại tị nạn lớn nhất trong số 8 trại tị nạn lịch sử của Gaza, và máy ủi đang san phẳng các ngôi nhà và cửa hàng trên đường tiến quân.

Rafah ở phía nam

Trong khi giao tranh đang diễn ra ác liệt ở phía bắc, hoạt động của Israel ở Rafah đã khiến hàng trăm nghìn người phải di tản. Theo cơ quan viện trợ của Liên hiệp quốc đặc trách về người tị nạn Palestine, UNRWA, kể từ khi cuộc tấn công quân sự của Israel vào Rafah bắt đầu, hơn 630.000 người đã buộc phải sơ tán khỏi thành phố phía nam Gaza này.

UNRWA nói nhiều người trong số họ đã trốn đến miền trung Gaza và cho biết thêm rằng khu vực xung quanh thành phố Deir al-Balah hiện “quá đông đúc đến mức không thể chịu nổi với điều kiện khắc nghiệt”. Deir al-Balah nằm dọc theo bờ biển phía bắc Rafah là thành phố duy nhất ở Gaza chưa bị lực lượng Israel tấn công.

Xe tăng và máy bay chiến đấu của Israel đã bắn phá các khu vực của Rafah ngày 17/5, trong khi các cánh vũ trang của Hamas và Hồi giáo Jihad cho biết họ đang bắn phi đạn chống tăng và súng cối vào các lực lượng đang tập trung ở phía đông, đông nam và bên trong cửa khẩu biên giới Rafah.

Theo các quan chức Israel, cuộc đột kích của Hamas vào miền nam Israel hôm 7/10/2023 đã khiến 1.200 người thiệt mạng và trên 250 con tin bị bắt cóc.

Theo Bộ Y tế Gaza do Hamas điều hành, cuộc phản công sau đó của Israel ở Gaza đã giết chết hơn 35.000 người Palestine, bao gồm cả dân thường và chiến binh nhưng cho biết hầu hết người thiệt mạng là phụ nữ và trẻ em.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG