Israel và Hamas đã giao tranh kể từ khi các tay súng thuộc nhóm chủ chiến Hamas người Palestine đột kích vào miền nam Israel vào ngày 7/10/2023, giết chết 1.200 người và bắt giữ 253 con tin. Israel đáp trả bằng một chiến dịch quân sự khiến hơn 35.000 người Palestine thiệt mạng.
Cuộc chiến này là cuộc tranh chấp đẫm máu nhất trong cuộc xung đột kéo dài giữa người Israel và người Palestine đã kéo dài suốt bảy thập niên và gây bất ổn ở Trung Đông.
Nguồn gốc của xung đột
Israel muốn quê hương của họ được an toàn giữa nơi mà từ lâu họ coi là Trung Đông thù địch. Người Palestine khát vọng về một nhà nước của riêng mình nhưng chưa được đáp ứng.
Năm 1947, trong khi Palestine nằm dưới sự ủy trị của Anh, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã đồng ý kế hoạch phân chia vùng này thành các quốc gia Ả Rập và Do Thái cũng như để quốc tế cai trị Jerusalem. Các nhà lãnh đạo Do Thái chấp nhận kế hoạch đó vốn trao cho họ 56% đất đai trong khi Liên đoàn Ả Rập khước từ đề xuất vừa kể.
Người sáng lập Israel, David Ben-Gurion, tuyên bố thành lập nhà nước Israel hiện đại vào ngày 14 tháng 5 năm 1948, một ngày trước khi kết thúc sự cai trị của Anh theo lịch trình, thiết lập một nơi trú ẩn an toàn cho người Do Thái chạy trốn khỏi sự đàn áp và tìm kiếm một ngôi nhà quê hương trên vùng đất mà họ nói là họ có ràng buộc từ thời xa xưa.
Bạo lực ngày càng gia tăng giữa người Ả Rập, những người chiếm khoảng 2/3 dân số vào cuối những năm 1940, và người Do Thái. Một ngày sau khi Israel được thành lập, quân đội từ 5 quốc gia Ả Rập đã tấn công.
Trong cuộc chiến sau đó, khoảng 700.000 người Palestine đã chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi nhà, đến Jordan, Li Băng và Syria, cũng như ở Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem.
Người Palestine gọi biến cố này là “Nakba” hay thảm họa. Israel bác tố cáo rằng họ đã trục xuất người Palestine.
Các hiệp định đình chiến đã tạm dừng giao tranh vào năm 1949 nhưng không có hòa bình chính thức. Hậu duệ của những người Palestine ở lại hiện chiếm khoảng 20% dân số Israel.
Các cuộc chiến từ đó tới nay
Năm 1967, Israel thực hiện cuộc tấn công phủ đầu vào Ai Cập và Syria, phát động Chiến tranh Sáu ngày. Israel đã chiếm được Bờ Tây và Đông Jerusalem Ả Rập từ Jordan, Cao nguyên Golan từ Syria, và Bán đảo Sinai và Dải Gaza từ Ai Cập.
Cuộc điều tra dân số Israel năm 1967 cho thấy dân số Gaza là 394.000 người, ít nhất 60% trong số họ là người tị nạn Palestine và con cháu của họ.
Năm 1973, Ai Cập và Syria tấn công các vị trí của Israel dọc theo Kênh đào Suez và Cao nguyên Golan, bắt đầu Chiến tranh Yom Kippur. Israel đã đẩy lùi cả hai đội quân trong vòng ba tuần.
Israel xâm chiếm Li Băng vào năm 1982 và hàng nghìn chiến binh của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) dưới sự chỉ huy của Yasser Arafat đã phải sơ tán bằng đường biển sau 10 tuần bị bao vây. Quân đội Israel rút khỏi Li Băng vào năm 2000.
Năm 2005, Israel rút người định cư và binh lính ra khỏi Gaza. Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2006 và giành toàn quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007. Giao tranh bùng phát giữa Israel và các phần tử chủ chiến Palestine ở Gaza vào các năm 2006, 2008, 2012, 2014 và 2021.
Năm 2006, phiến quân Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Li Băng đã bắt giữ hai binh sĩ Israel ở khu vực biên giới và Israel có hành động quân sự, gây ra cuộc chiến kéo dài 6 tuần.
Cũng đã có hai cuộc nổi dậy của người Palestine - từ 1987 đến 1993 và từ 2000 đến 2005. Trong lần thứ hai, Hamas và các nhóm chiến binh Palestine khác đã thực hiện các vụ đánh bom liều chết ở Israel, còn Israel tiến hành các cuộc tấn công bằng xe tăng và không kích vào các thành phố của người Palestine.
Kể từ đó, đã xảy ra nhiều đợt xung đột giữa Israel và Hamas, nhóm từ chối công nhận Israel và bị Israel, Liên hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và các nước khác coi là một tổ chức khủng bố. Hamas nói rằng các hoạt động vũ trang của họ là nhằm chống lại sự chiếm đóng của Israel.
Đã có những nỗ lực nào để tạo hòa bình?
Năm 1979, Ai Cập trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên ký hiệp ước hòa bình với Israel, nước này đồng ý trả lại Bán đảo Sinai cho Ai Cập cai trị.
Năm 1993, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và lãnh đạo PLO Arafat đã bắt tay về Hiệp định Oslo thiết lập quyền tự trị hạn chế của người Palestine. Năm 1994, Israel ký hiệp ước hòa bình với Jordan. Nhưng hội nghị thượng đỉnh có sự tham dự của Arafat, Thủ tướng Israel Ehud Barak và Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Trại David năm 2000 đã không đạt được thỏa thuận hòa bình cuối cùng.
Năm 2002, một kế hoạch do Liên đoàn Ả Rập đề xuất tất cả các nước Ả Rập bình thường hóa quan hệ với Israel, đổi lại, Israel rút quân hoàn toàn khỏi các vùng đất mà nước này đã chiếm trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967, thành lập một nhà nước Palestine và một “giải pháp công bằng” cho người tị nạn Palestine. Việc trình bày kế hoạch đã bị lu mờ bởi Hamas, tổ chức đã cho nổ tung một khách sạn ở Israel đầy những người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust trong bữa ăn Seder của Lễ Vượt Qua.
Các nỗ lực hòa bình giữa người Palestine và Israel đã bị đình trệ kể từ năm 2014.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Israel đã đạt được các thỏa thuận được gọi là Hiệp định Abraham để bình thường hóa quan hệ với một số quốc gia Ả Rập, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Maroc.
Người Palestine đã ngừng giao tiếp với chính quyền Hoa Kỳ sau khi ông Trump phá vỡ chính sách của Hoa Kỳ bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ.
Qatar và Ai Cập đã đóng vai trò trung gian trong cuộc chiến mới nhất, đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài bảy ngày, trong đó các con tin bị Hamas bắt giữ được đổi lấy các tù nhân do Israel giam giữ, và nhiều viện trợ nhân đạo đổ vào Gaza.
Các nỗ lực hòa bình tới đâu?
Các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn tiếp theo đã không có kết quả và Hamas cho biết vào ngày 10 tháng 5 rằng những nỗ lực đã trở lại như ban đầu. Israel muốn thảo luận về việc tạm dừng giao tranh. Hamas sẽ không thả con tin nếu không có thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tập trung vào việc cố gắng đảm bảo một “cuộc mặc cả lớn” ở Trung Đông, bao gồm việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê Út. Riyadh cho rằng điều này đòi hỏi tiến bộ hướng tới việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập, điều mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ.
Các vấn đề chính giữa người Israel và người Palestine
Giải pháp hai nhà nước, các khu định cư của Israel trên vùng đất bị chiếm đóng, tình trạng của Jerusalem, biên giới được thỏa thuận và số phận của người tị nạn Palestine.
Giải pháp hai nhà nước: Một thỏa thuận sẽ tạo ra một nhà nước cho người Palestine ở Bờ Tây và Gaza cùng với Israel. Ông Netanyahu nói rằng Israel phải có quyền kiểm soát an ninh đối với toàn bộ vùng đất phía tây sông Jordan, đi trước việc thành lập một nhà nước Palestine có chủ quyền.
Các khu định cư: Hầu hết các quốc gia coi các khu định cư của người Do Thái được xây dựng trên vùng đất mà Israel chiếm đóng năm 1967 là bất hợp pháp. Israel phản đối điều này và viện dẫn các mối quan hệ lịch sử và Kinh thánh với vùng đất này. Việc tiếp tục mở rộng khu định cư là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất giữa Israel, người Palestine và cộng đồng quốc tế.
Jerusalem: Người Palestine muốn Đông Jerusalem, nơi bao gồm các địa điểm của Thành cổ có tường bao bọc linh thiêng đối với cả người Hồi giáo, người Do Thái và người Thiên Chúa giáo, trở thành thủ đô của nhà nước họ. Israel nói rằng Jerusalem vẫn là thủ đô “không thể chia cắt và vĩnh cửu” của mình.
Tuyên bố của Israel đối với phần phía đông của Jerusalem không được quốc tế công nhận. Ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel mà không nêu rõ phạm vi quyền tài phán của nước này tại thành phố đang tranh chấp và chuyển Tòa đại sứ Mỹ tới đó vào năm 2018.
Người tị nạn: Ngày nay có khoảng 5,6 triệu người tị nạn Palestine - chủ yếu là hậu duệ của những người chạy trốn năm 1948 - sống ở Jordan, Li Băng, Syria, Bờ Tây do Israel chiếm đóng và Gaza. Theo Bộ Ngoại giao của người Palestine, khoảng một nửa số người tị nạn vẫn trong tình trạng vô tổ quốc, nhiều người sống trong các trại tị nạn đông đúc.
Người Palestine từ lâu đã yêu cầu cho người tị nạn và hàng triệu con cháu của họ được phép quay trở lại. Israel nói bất kỳ hoạt động tái định cư nào của người tị nạn Palestine phải diễn ra bên ngoài biên giới của Israel.
Diễn đàn