Đời nghẹn vì nghèo phải lấy chồng ngoại quốc
Trăng nghẹn vì thương những phụ nữ bơ vơ
Thơ nghẹn vì công an văn hóa bắt trăng phải sáng
Độc giả nghẹn vì bất bình cho số phận nhà thơ
Vì sao lại có những câu thơ như thế của Bắc Phong, Bích Huyền mời quý vị và các bạn theo dõi trong câu chuyện Thơ Nhạc của Đài VOA hôm nay…
Bài thơ "Trăng Nghẹn" của Hoàng Tường Phong đã được Liên Chi Hội Nhà Văn Đồng Bằng Sông Cửu Long chọn trao giải nhất cuộc thi thơ của liên hội vừa qua. Thế nhưng một số cơ quan 'có thẩm quyền' ở thành phố Cần Thơ đã yêu cầu Ban Giám khảo chọn lại bài khác để trao giải Nhất, vì bài này u ám quá! Ban Giám khảo đã quyết định không chấm lại, cuối cùng họ quay sang tác giả, yêu cầu ông làm đơn từ chối giải thưởng. Nhà thơ Hoàng Tường Phong nói: 'Đó là việc thẩm định của Ban Giám khảo'."
Sau đây là bài thơ Trăng Nghẹn với những câu thơ thật đơn sơ, mộc mạc, như hương đồng gió nội của đồng bằng sông Cửu Long, thấm chậm nhưng chắc, Bích Huyền mời quý vị và các bạn cùng nghe…
Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi này ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bãi buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.
Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa/ thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.
Xóm bên song nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê
Lời thơ mộc mạc, ý thơ dào dạt, chân thành. Bài thơ là niềm cảm khái, trăn trở trước cuộc sống hối hả, thực dụng; sự phi lý, bất công hiện nay. Sự hối tiếc, oán trách cũng chỉ nhẹ nhàng, êm như dòng Cửu Long lượn dòng phù sa trôi ngang vùng quê nghèo nàn, lam lũ.
Hoàng Tường Phong, một người tự nhận mình là lính ngụy hiện đang sống trong một làng quê xao xác tiếng người. Mỗi ngày nhà thơ trăn trở với sự thay da đổi thịt của làng quê mình và đến khi trăng về, lại âm thầm nhìn trăng trên ruộng đồng héo hắt với ánh sáng ảm đạm xanh xao mà giờ đây lại bệnh tật thêm khi bị kết án: tại sao trăng lại buồn như vậy?
Tại sao giới chức có thẩm quyền lại không dám nhìn thẳng vào vầng trăng u ám đó, vào chính cái nghèo đói tả tơi của cả vùng đồng bằng đang đẩy con người rời bỏ quê hương? Phải chăng căn bệnh dối trá đã thấm vào máu. Cấp dưới đưa lên trung ương những thành tích giả, báo cáo sai, cấp trên phủ dụ cấp dưới bằng những lời hứa ảo… Còn sự thật: dân ở nhiều xã bị đói lả phải ăn cháo thay cơm, thanh niên vay nợ đi làm đầy tớ nước người, các em gái bị ép buộc làm nô lệ tình dục ở các động bên Kampuchia, phụ nữ rời bỏ quê nhà đi làm vợ, làm điếm khắp các nước, bệnh HIV lan rộng, thì họ vẫn trơ tráo che đậy, không cho ai nói.
54 năm về trước, qua vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, các văn nghệ sĩ đã phải trả giá cho lòng yêu chuộng sự thật bằng cả một đời bị treo bút, vùi dập, tù đầy. Chế độ cộng sản Việt Nam mang nợ rất lớn đối với tổ tiên và dân tộc Việt, không chỉ là món nợ vì đã vùi dập bao thế hệ văn nghệ sĩ bằng chính sách kiểm soát điên cuồng, đòi trăm hoa phải nở ra cùng một thứ cúc vạn thọ mùi rất hắc như ở Miền Bắc, mà còn cái tội thiêu hủy cả một nền văn học 20 năm muôn hồng nghìn tía của Miền Nam qua phong trào đốt sách năm 1975 khi họ chiếm được Miền Nam, và đầy ải những văn nghệ sĩ Miền Nam không may bị kẹt lại, hoặc ngây thơ tình nguyện ở lại vì nghĩ cộng sản thì cũng là người Việt với nhau cả. Đấy là mới chỉ nói về phương diện văn học thôi, chưa nói tới phạm vi xã hội, giáo dục, môi sinh này khác, và đặc biệt là chuyện nhượng đảo, đất cho ngoại bang đang diễn ra.
Phản ứng của Ban Giám khảo cho thấy dù văn nghệ có vẫn bị chỉ huy, người làm văn nghệ có vẫn bị hoạnh hoẹ bởi những người còn sống trong ảo tưởng, thì hoàn cảnh và nhân sự của Miền Nam nói riêng, và Việt Nam nói chung, ở đầu thế kỷ 21 đã không còn là thời của hơn nửa thế kỷ trước tại Miền Bắc nữa.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.
Bài thơ như một nốt nhạc trầm buồn bã, lơ lửng trong không gian khiến người nghe khó thể cầm lòng.
Nhà thơ hình như đang kể lại một cách lặng lẽ, kể lại trong tư thế hết sức bình thường, như người ta kể một mảnh đời lưu lạc nào đó đầy dẫy trong xã hội. Giọng kể không có chút ý thức nào muốn gây sự đồng cảm. Chỉ kể, như nhu cầu cần nói về những gì đang xảy ra tại khắp các làng quê đồng bằng sông Cửu hiện nay của ông.
Hình ảnh gây ngậm ngùi nhất trong bài thơ khiến nó trở thành ám ảnh là hai câu: “Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu, Đôi mắt ướt một thời/bẽn lẽn ngó bàn chân.” thật xót xa, cay đắng. Kể cả khi nói về một hình ảnh như vậy, ngôn ngữ và tốc độ trong bài thơ không hề thay đổi. Vẫn đằm đằm, đều đặn như chuyến xe ngựa thồ trên đường quê khúc khuỷu. Bản thân chuyến xe, bản thân câu chuyện không cho thấy niềm đau nào. Mà chính hành khách, những người đang nghe câu chuyện lại lặng lẽ đau niềm đau nghèo khổ.
Nhà thơ đi qua từng nhịp thở cuộc sống, rồi ngồi xuống nhặt nhạnh mỗi một hình ảnh, ghép lại trên trang giấy với thái độ hết sức dửng dưng của một người yên phận. Không yên phận cũng không được/ khi cuộc sống chung quanh trở thành khốc liệt đến nỗi:
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Thúy Kiều và số phận của những cô gái đồng hương với nhà thơ có gì khác nhau không khi cả hai đều bán mình, một bên để chuộc cha còn một bên thì chuộc cho một vùng quê nghèo, và cho cả một chính sách mà người ta gọi là khởi sắc.
Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến bài thơ bị soi rọi một cách tỉ mỉ. Trăng Nghẹn nói lên một sự thật đáng buồn của một vùng quê; và cũng chính là của đất nước Việt Nam hôm nay. LS Lê Thị Công Nhân đã nói “Cộng Sản sợ nhất là sự thật.”
Vầng Trăng Nghẹn không chỉ ở Cần Thơ, mà đang ở trên vòm trời của đất nước Việt Nam.
Trong ý tưởng ấy cùng với giọng hát Phan Văn Hưng trong ca khúc Kiểm Tra, Phan Văn Hưng phổ thơ Hà Sĩ Phu, Bích Huyền xin lưu luyến chia tay.
* Bích Huyền xin cảm ơn nhiều tác giả đã có bài trên Net để biên soạn chương trình này theo lời yêu cầu của thính giả.
Trăng Nghẹn nói lên một sự thật đáng buồn của một vùng quê miền Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Thủ tướng Ý: Mối đe dọa an ninh do Nga gây ra là rất lớn
2Tổng thống Zelenskyy: Việc Ukraine gia nhập NATO là điều ‘có thể đạt được’
3Nhà hàng Việt kiện thành phố ở Mỹ đòi bồi thường 2,4 triệu USD vì xử phạt ‘mùi hôi’
4VinFast xây nhà máy thứ 2 trong nước với tốc độ ‘kỷ lục’ để tăng gấp đôi sản lượng ô tô điện
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!