Đường dẫn truy cập

Vì sao ngũ cốc gây sóng gió cho quan hệ Ba Lan-Ukraine?


Ukraine là quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới
Ukraine là quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới

Ngũ cốc Ukraine tràn ngập khiến nông nghiệp Ba Lan điêu đứng cộng với cuộc bầu cử sắp diễn ra và nhu cầu lấy lòng cử tri đã khiến giới lãnh đạo Ba Lan đã có những lời lẽ gay gắt nhắm vào Ukraine, quốc gia mà họ đã ủng hộ hết lòng kể từ khi cuộc chiến của Nga nổ ra, theo tìm hiểu của VOA.

Warsaw và Kyiv đã lời qua tiếng lại ở mức độ chưa từng thấy xung quanh vấn đề Ba Lan cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine trong bối cảnh Kyiv đang cần sự ủng hộ của các đồng minh hơn bao giờ hết để đẩy nhanh cuộc phản công lại quân xâm lược Nga.

Kyiv từng muốn kiện Warsaw lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì lệnh cấm nhập ngũ cốc Ukraine của Ba Lan – hành động bị chính quyền Ba Lan lên án là ‘vô ơn’ – mặc dù mới đây nhất, ngày 5/10, Kyiv đã rút lại quyết định này.

Để tránh ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine nhập ồ ạt vào các nước láng giềng, trong đó có Ba Lan, Hungary và Slovakia, gây thiệt hại cho nông dân các nước này, Liên minh châu Âu hồi tháng 5 đã áp đặt lệnh cấm nhập tạm thời đối với ngũ cốc Ukraine, nhưng đến ngày 15/9, lệnh cấm này được dỡ bỏ, khiến ba nước trên tức giận.

Bất chấp yêu cầu của EU, Warsau tuyên bố vẫn tiếp tục chặn ngũ cốc Ukraine vào nước họ. Khi đó, đến lượt Kyiv phẫn nộ.

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 20/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi nói rằng ‘đáng báo động khi nhìn thấy một số người bạn của chúng tôi ở châu Âu, trên sân khấu chính trị thì ra vẻ thể hiện đoàn kết, nhưng lại chơi trò giật gân với ngũ cốc’.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đáp trả trên mạng xã hội ngay sau đó. Ông viết: “Chúng tôi sẽ không chuyển giao vũ khí cho Ukraine nữa vì giờ đây chúng tôi đang vũ trang cho Ba Lan.” Tại một cuộc vận động tranh cử sau đó, ông Morawiecki còn yêu cầu ông Zelenskyi ‘đừng bao giờ xúc phạm người Ba Lan một lần nữa’.

Về phần mình, khi phát biểu với báo chí hôm 19/9, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã ví Ukraine như ‘một kẻ chết đuối bám vào bất cứ cái gì có thể và bất cứ ai đến giúp sẽ bị kéo xuống theo’.

Ba Lan sắp bước vào cuộc tổng tuyển cử vào ngày 15/10 mà đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền đang chật vật tranh thủ sự ủng hộ của cử tri. Họ cần sự ủng hộ của khối cử tri nông thôn để tiếp tục nắm quyền.

Trước thềm cuộc bầu cử, hôm 1/10, khoảng một triệu người dân Ba Lan đã xuống đường ở Warsaw theo lời kêu gọi của khối đối lập Nền tảng Công dân do cựu Thủ tướng Donald Tusk đứng đầu để phản đối chính quyền của Đảng Luật pháp và Công lý cánh hữu.

‘Kẹt với nông dân’

Ông Phan Châu Thành, một người Việt sinh sống nhiều năm ở Ba Lan và theo dõi sát sao cuộc chiến ở Ukraine, là một trong những người tham gia cuộc biểu dương lực lượng đó.

Nói với VOA từ Warsaw, ông Thành nói rằng lý do phe đối lập xuống đường rầm rộ như vậy bởi vì chính phủ cánh hữu ‘ngày càng rơi vào tình trạng cực đoan’ và ‘một phần cũng vì tranh cãi về xuất khẩu lúa mạch giữa hai nước’.

Sau khi cuộc chiến của Nga nổ ra ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, chính phủ Ba Lan khi đó đã hủy bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu của tất cả hàng hóa Ukraine đi vào Ba Lan, trong đó có ngũ cốc, như là một cử chỉ thể hiện tình đoàn kết, ông Thành cho biết.

Lợi dụng tình hình đó, một số thương gia Ba Lan đã nhập ồ ạt loại lúa mạch giá rẻ của Ukraine vốn dùng để chế biến thức ăn gia súc về để trộn với loại lúa mạch dùng cho các ngành công nghiệp thực phẩm để bán ra thị trường kiếm lời, theo lời thuật lại của ông Thành.

“Họ nhập nhiều đến mười mấy triệu tấn, trong khi Ba Lan hàng năm chỉ có thể tiêu thụ 7 triệu tấn và xuất khẩu 10 triệu tấn,” ông nói và cho biết vấn đề trở nên nghiêm trọng khi nông dân Ba Lan tới mùa thu hoạch nhưng kho bãi không còn chỗ chứa.

“Ba Lan đang thừa lúa mạch một cách khủng khiếp,” ông nói thêm. “Chính phủ Ba Lan phải bỏ ra 2,4 tỷ đô la ra để trợ giá cho nông dân bằng mọi cách để giải phóng bớt ngũ cốc của họ, bán rẻ đi cũng được.”

Về phía nông dân Ukraine, nhà quan sát này cho rằng do đất nước họ đang có chiến tranh nên họ có tâm lý ‘bán ngũ cốc thu hoạch được càng nhanh càng tốt trước khi bị quân Nga đốt cháy’ nên ‘họ bán với bất cứ giá nào có thể’.

Trong khi đó, tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc lâu nay của Ukraine qua Biển Đen đang trở nên nguy hiểm do Nga đã rút ra khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Do đó, tàu bè chở ngũ cốc của Ukraine phải đi đường vòng qua biển Baltic, vòng xuống Đại Tây Dương đến châu Phi với hành trình và thời gian dài gấp ba, ông Thành chỉ ra.

“Một phần lý do thực sự Ukraine tiến hành tấn công táo bạo vào hạm đội Biển Đen của Nga cũng là do sức ép của việc xuất khẩu ngũ cốc vì họ cần mở con đường xuất khẩu ngũ cốc ra khỏi Ukraine,” ông nói thêm.

“Ba Lan gần Ukraine nhất nên bán ngũ cốc sang rất tiện mà chi phí lại rẻ,” ông giải thích.

Với lại, người dân Ukraine nghĩ rằng họ đang chiến đấu và đổ máu cho cả châu Âu mà Ba Lan lại làm khó họ chỉ vì ngũ cốc, cũng theo lời nhà quan sát này.

“Bây giờ chính phủ hai nước đang bị kẹt giữa nông dân hai bên.”

‘Tranh thủ lá phiếu’

Tranh cãi về ngũ cốc giữa hai nước càng trở nên ồn ào do Ba Lan đang hướng tới bầu cử để bầu ra chính phủ mới, ông Thành chỉ ra.

“Thay vì hai bên ngồi lại với nhau để tìm cách giải quyết thì trong bối cảnh bầu cử, các đảng phái nghĩ đến bản thân mình rồi hai bên đổ trách nhiệm cho nhau, lời ra tiếng vào thành ra cãi nhau,” ông nói.

“Nhất là sắp bầu cử mà nông dân Ba Lan biểu tình phản đối ầm ĩ, rất ảnh hưởng đến hình ảnh nên Thủ tướng Ba Lan muốn thể hiện mình là một nhà lãnh đạo cứng rắn bảo vệ quyền lợi của người dân Ba Lan trước tiên.”

Ông giải thích do cử tri của chính phủ cánh hữu Ba Lan ‘phần lớn là dân nghèo, ở nông thôn, dân trí thấp’ nên các lãnh đạo của họ dùng những lời lẽ ‘đao to búa lớn, có phần mị dân’ khi chỉ trích Ukraine.

Tuy nhiên, tranh cãi này giữa hai nước ‘sẽ không ảnh hưởng nhiều’ đến sự ủng hộ của Warsaw dành cho Kyiv trong cuộc chiến với Moscow, ông dự đoán và dẫn ra một cuộc thăm dò dư luận hôm 1/10 cho thấy có đến 74% người dân Ba Lan ủng hộ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine – cao nhất trong các nước châu Âu.

“Bất kỳ chính phủ nào lên thì sự ủng hộ Ukraine cũng thế thôi, vì thật sự ủng hộ Ukraine là người dân Ba Lan. Ngay từ đầu, họ đã tự nguyện đón người dân Ukraine về nhà mà chính quyền có kêu gọi gì đâu?” ông Thành nói.

Hiện giờ, bộ trưởng nông nghiệp hai nước đã ngồi lại với nhau và đi đến kết luận là Ukraine sẽ không kiện Ba Lan lên WTO nữa và đồng ý để Ba Lan kéo dài lệnh cấm nhập ngũ cốc Ukraine đến hết tháng 10, tức là sau khi Ba Lan bầu cử xong.

“Sau đó hai bên sẽ ngồi lại với nhau để tìm cách xuất khẩu ngũ cốc.”

Trả lời câu hỏi tại sao Ukraine không xuất ngũ cốc sang các nước châu Âu khác, ông Phan Châu Thành nói theo luật châu Âu thì ngũ cốc phải có đủ giấy tờ, chứng chỉ thì mới được phép xuất khẩu.

“Thành ra các nước châu Âu có muốn giúp Ba Lan hay Ukraine cũng không được vì luật pháp của họ rất nghiêm,” ông trình bày và cho biết Ba Lan hiện đang đề nghị châu Âu nới lỏng tiêu chuẩn nhập khẩu ngũ cốc.

Khi được hỏi liệu những hục hặc này giữa Warsaw và Kyiv có khiến Moscow vui mừng không, ông Thành nói: “Nga có thể mừng nhưng liệu họ có thể trụ được cho đến khi mọi sự ủng hộ dành cho Ukraine cạn kiệt?”

“Đúng là sự ủng hộ dành cho Ukraine ngày càng yếu đi. Cái đó có thể nhìn thấy được nhưng nền kinh tế Nga, vũ khí Nga và lính Nga cũng ngày càng yếu đi.”

Phát ngôn nhân Điện Kremlin Dmitry Peskov khi được hỏi về tranh chấp giữa hai nước đã nói rằng Moscow dự đoán ‘căng thẳng giữa Warsaw và Kyiv sẽ ngày càng tăng’.

‘Ba Lan trên hết’

Tờ Guardian dẫn các kết quả thăm dò dư luận cho thấy cuộc bầu cử ngày 15/10 tới sẽ là một cuộc đua cực kỳ sít sao, và đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền (PiS) đang tranh thủ mọi sự ủng hộ.

“Tranh cãi này chủ yếu là về cuộc bầu cử và động cơ khá là rõ,” ông Wojciech Przybylski, tổng biên tập tạp chí Visegrad Insight được Guardian dẫn lời nói. Đảng này hy vọng sẽ thể hiện sức mạnh với các cử tri chính của họ, ông nói thêm, trong đó có những người làm nông nghiệp ở miền đông Ba Lan.

Đảng PiS theo chủ nghĩa dân tộc cũng đang đối mặt thách thức từ đảng cực hữu Konfederecja, vốn chủ trương giảm bớt việc giúp đỡ Ukraine và tập trung vào các vấn đề trong nước.

Daniel Szeligowski, nhà nghiên cứu cấp cao về Ukraine tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan, nói rằng mặc dù vấn đề này là vấn đề chính trị của Ba Lan đang trong mùa bầu cử, nhưng nó có những lo ngại kinh tế thực sự.

Ông dẫn ra số liệu cho thấy trong bốn tháng đầu, nhập khẩu lúa mạch Ukraine sang Ba Lan đã tăng gấp 600 lần, khiến chính phủ Ba Lan không còn lựa chọn nào khác là phải can thiệp.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG