Đường dẫn truy cập

Vì sao bà Aung San Suu Kyi không được ra tranh cử Tổng thống?


Ông Obama ôm, hôn bà Aung San Suu Kyi hôm 14/11 trong chuyến công du Miến Điện.
Ông Obama ôm, hôn bà Aung San Suu Kyi hôm 14/11 trong chuyến công du Miến Điện.

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar còn gọi là Miến Điện nói với Đài VOA là điều khoản hiến pháp cấm lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống không đặc biệt nhắm vào bà.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho ban Miến Điện Đài VOA, Đại tướng Min Aung Hlaing nói việc hạn chế không cho ra tranh cử tổng thống bất cứ những ai có vợ hay chồng hoặc con cái là công dân nước ngoài là “một vấn đề quốc gia.”

Ông nói việc này phản ánh những vấn đề di dân kéo dài tại Miến Điện vì vị trí nước này nằm giữa các quốc gia có dân số quá đông.

Bà Aung San Suu Kyi bị cấm không được ứng cử tổng thống vi hai con trai bà có quốc tịch Anh. Chồng bà đã qua đời cũng là một công dân Anh.

Khi được hỏi là liệu ông có thể gặp mặt đối mặt với bà Aung San Suu Kyi hay không, Tướng Hlaing gọi việc thảo luận như thế với lãnh tụ Liên đoàn Toàn quốc vì Dân chủ (NLD) “khó khăn.”

Ông nói những ý định của bà có thể không như ý định của ông. Tuy nhiên ông cho biết ông không bác bỏ khả năng có một cuộc gặp gỡ và có thể có một cuộc gặp nếu cần thiết.

Tướng Hlaing nói với Trưởng ban Miến Điện Đài VOA Than Lwin Htun tại thủ đô Naypyitaw.

Tổng tư lệnh quân đội đầy thế lực đã nói chuyện với bà Aung San Suu Kyi lần đầu tiên vào cuối tháng qua trong những cuộc thảo luận chưa từng có trước đây với 14 đối thủ chính trị Myanmar và các lãnh tụ quân đội. Những cuộc thảo luận đưa đến việc cam kết thảo luận về cải cách chính trị và hoà đàm.

Tuy nhiên nhiều nhân vật đối lập chỉ trích cuộc họp là việc tránh đối thoại có ý nghĩa. Bà Aung San Suu Kyi sau đó yêu cầu có những cuộc thảo luận 4 bên với Tổng thống Thein Sein, Tướng Hlaing và chủ tịch Hạ viện.

Tuy nhiên Tổng thống Thein Sein dường như bác bỏ ý kiến này trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA vào ngày thứ Năm tại dinh tổng thống. “Thảo luận là con đường đúng đắn để tìm một giải pháp chính trị, nhưng chỉ trong vòng 4 người chúng tôi thì không bao gồm đủ.”

Ông Thein Sein, là một đại tướng hồi hưu, giữ chức vụ tổng thống Myanmar kể từ năm 2011, sau 4 năm nắm quyền Thủ tướng. Trước đó Miến Điện được đặt dưới quyền kiểm soát tuyệt đối của quân đội gần năm thập niên - từ 1962 cho đến 2010.

Tổng thống Thein Sein nói với Đài VOA là ông chưa quyết định có ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử dự trù tổ chức vào năm 2015 hay không. Trong khi đó đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi muốn thay đổi lệnh cấm trong hiến pháp ngăn bà không được trở thành tổng thống.

Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann ngày thứ Ba nói hiến pháp do quân đội soạn thảo không thể được thay đổi trước cuộc bầu cử vào tháng 11 kế tiếp. Ông không nêu chi tiết lý do tại sao.

Thêm vào những vấn đề chính trị xoay chuyển tại Miến Điện, quốc gia vẫn còn chia rẽ này cũng đầy dẫy những cuộc tranh chấp sắc tộc khác nhau.

Các nhóm phiến quân sắc tộc đã chiến đấu chống lại chính phủ trung ương trong nhiều thập niên, dẫn đến cái chết của hàng chục ngàn người.

Hầu hết những nhóm này đã ký những thỏa thuận ngưng bắn tạm thời với chính phủ trong những năm gần đây nhưng những thỏa thuận hòa bình vẫn còn đang thảo luận.

Trước đây trong tuần, phiến quân sắc tộc Kachin cho biết chính phủ tấn công trụ sở và một trường huấn luyện quân sự của họ giết chết gần mấy chục khoá sinh. Một nhà thương thuyết hòa bình Kachin nói việc tái tục những cuộc thảo luận ngưng bắn bị trì hoãn giữa hai bên hiện không chắc chắn vì những cuộc tấn công của chính phủ.

Được hỏi tại sao quân đội không gặp giới lãnh đạo Kachin về tiến trình hòa bình, Tướng Hlaing nói không giống như nhóm sắc tộc Karen và Shan, Quân đội Độc lập Kachin “không đủ nhiệt tâm” theo đuổi những nguyên tắc hòa bình mà chính phủ đã đưa ra.

Trả lời về những báo cáo quân đội vi phạm nhân quyền, Tướng Hlaing nói với Đài VOA là có thể có vi phạm nhân quyền, nhưng quân đội “giữ kỷ luật” bằng cách trừng trị nghiêm khắc hơn là những trừng phạt của hệ thống tòa án dân sự. Oâng nói quân đội ngay cả kết án tử hình trong một vài trường hợp phạm tội nhắm vào thường dân.

Myanmar được Tổng thống Barack Obama Hoa Kỳ giảm bớt nhiều chế tài sau khi nước này thình lình chuyển đổi sau nửa thế kỷ cai trị của quân đội, nhưng không rõ tương lai như thế nào.

Các người chỉ trích chính phủ nói hiện Miến Điện đang trở về những hạn chế của kỷ nguyên quân đội nắm quyền sau khi bắt đầu cải cách một cách dè dặt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG