Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama kêu gọi Myanmar đẩy nhanh cải cách


Tổng thống Mỹ Barack Obama được Tổng thống Myanmar Thein Sein chào đón tại Hội nghị Thượng đỉnh các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN lần thứ 25 tại Naypyitaw, ngày 12/11/2014.
Tổng thống Mỹ Barack Obama được Tổng thống Myanmar Thein Sein chào đón tại Hội nghị Thượng đỉnh các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN lần thứ 25 tại Naypyitaw, ngày 12/11/2014.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nêu lên các vấn đề gai góc khi ông gặp chính phủ Myanmar và các nhà lãnh đạo đối lập trong chuyến đi thăm lần thứ hai của ông đến quốc gia còn được gọi là Miến Điện. Tổng thống Obama bắt đầu chuyến viếng thăm bằng việc tham dự hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN do Myanmar chủ trì trong năm nay. Tháp tùng tổng thống trong chuyến đi, thông tín viên VOA Luis Ramirez ghi nhận chi tiết trong bài tường trình từ Naypyitaw, thủ đô Myanmar.

Một buổi trình diễn ca múa và một dạ tiệc dành cho các quốc khách tại một trung tâm hội nghị mới hoành tráng cho thấy Myanmar đã tiến bộ đến mức nào kể từ khi trỗi dậy sau nhiều thập niên quân trị và cô lập đối với thế giới.

Tổng thống Obama khen ngợi Myanmar và nhà lãnh đạo Thein Sein đã tổ chức hội nghị.

“Thưa ngài tổng thống Thein Sein, tôi muốn cám ơn ngài về sự hiếu khách và tổ chức hội nghị thượng đỉnh tuyệt hảo này. Tôi nghĩ Myanmar đã đạt thành tích rất cao trong chức vụ chủ tịch ASEAN năm nay và đã chứng tỏ sự lãnh đạo vững vàng đối về các vấn đề trọng yếu đối với toàn khu vực.”

Nhưng sau khi dự các cuộc họp về hợp tác trong khu vực, Tổng thống Obama đã đề cập đến phần thiết yếu hơn trong lịch trình làm việc của ông: đó là thúc đẩy cải cách chính trị tại Myanmar mà ông cho rằng đã không diễn ra một cách nhanh chóng như mọi người hy vọng cách đây 4 năm khi nước này bắt đầu chuyển tiếp sau nhiều thập niên dưới quyền cai trị của quân đội.

Trong một cuộc phỏng vấn với một tạp chí của Myanmar, Tổng thống nói trong hai năm kể từ chuyến viếng thăm đầu tiên của ông vào năm 2012, ông đã thấy những tiến bộ trong đó có cải cách kinh tế, thả tù chính trị, và những bước đầu của một phong trào cải cách hiến pháp.

Song Tổng thống Obama nói cũng có một số bước lùi. Những cựu tù nhân chính trị tiếp tục chịu những hạn chế trong khi các nhà báo vẫn còn bị giết hại, bắt bớ hay sách nhiễu.

Một lãnh vực được nhà lãnh đạo Mỹ quan tâm đặc biệt là tình trạng của những người Rohingya, một sắc dân thiểu số Hồi Giáo với hơn 1 triệu người, hầu hết không có quyền công dân. Hàng ngàn người đã buộc phải sống trong những trại tị nạn tiếp sau những vụ xung đột với các tín đồ Phật Giáo vào năm 2012 tại bang Rakhine.

Vấn đề quốc tịch của người Rohingya là một vấn đề chính trị nhạy cảm tại Myanmar. Tổng thống Obama dự trù đưa vấn đề này ra trong những cuộc họp với chính phủ và đối lập, trong đó lãnh tụ nổi tiếng Aung San Suu Kyi, người Tổng thống Obama sẽ gặp tại Yangoon vào ngày mai, và là người bị chỉ trích vì không có lập trường về vấn đề này.

Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Ben Rhodes nói với các phóng viên là sự chuyển tiếp sang một nền dân chủ ổn định không thể có được nếu không giải quyết vấn đề những người Rohingya.

“Chúng tôi công nhận đây là một vấn đề rất phức tạp tại Myanmar và họ vẫn giữ vững quan điểm của họ, là có những cách nhìn tranh cãi trong lịch sử, nhưng không thay đổi sự kiện là có những quyền phổ thông và căn bản cần được áp dụng cho tất cả mọi người.”

Sau cuộc hội kiến bà Aung San Suu Kyi vào ngày mai, Tổng thống Obama sẽ đến Brisbane, Australia để dự hội nghị thượng đỉnh G-20, nơi vấn đề Ukraine chắc chắn sẽ là trọng tâm của các cuộc thảo luận bên lề hội nghị.

Các phụ tá nói Tổng thống Obama dự kiến mở các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Châu Âu tiếp theo những bằng chứng trong tuần này là Nga tiếp tục gửi trang bị và binh sĩ vượt biên giới vào Ukraine. Trong số những nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 có Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG