Lời kêu gọi bệnh nhân COVID đã hồi phục tham gia chống dịch tại TPHCM của Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đang gây ra tranh cãi trong công luận. Một số người bày tỏ quan ngại về nguy cơ sức khoẻ và hiệu quả phục vụ của những người đã trải qua căn bệnh chết người, trong khi một số khác cho rằng tình hình dịch ở Việt Nam đã đến mức rất “nghiêm trọng” rồi.
Trong thư ngỏ hôm 3/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thay mặt Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19 kêu gọi “những người đã chiến thắng biến thể Delta” chung tay đóng góp vào công tác phòng chống dịch của thành phố.
“Chúng tôi thiết tha mong đợi sự tham gia của các bạn vào công tác phòng chống dịch của thành phố. Bất kỳ vị trí, công việc nào các bạn tham gia đều được cá nhân tôi và toàn thể nhân dân thành phố trân trọng và biết ơn”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói trong thư, đồng thời cam kết sẽ bố trí điều kiện làm việc hợp lý và tiến hành đánh giá mức độ kháng thể kháng virus SARS-CoV-2- virus gây ra đại dịch COVID-19 - bằng xét nghiệm nhanh cho những người tham gia.
Trước đó, tại cuộc họp báo hôm 2/9, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng các trường hợp F0 đã xuất viện là “nguồn lao động rất quý” vì có nồng độ kháng thể và có thể miễn nhiễm tạm thời với virus SARS-CoV-2 nên kêu gọi nhóm người này hỗ trợ cho lực lượng y tế chăm sóc các bệnh nhân COVID-19.
Tuy nhiên, ý tưởng tận dụng lao động F0 của Bộ Y tế đang gây ra nhiều tranh cãi trong công luận. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Việt Nam, cho rằng ý tưởng Bộ Y tế nêu ra thì hay nhưng “có vấn đề về tư duy phòng chống dịch”.
“F0 vừa hoàn thành việc chữa trị, chưa kịp hoàn hồn thì họ sao có thể bắt tay ngay vào công việc đó?”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi trong bài viết trên trang Facebook, và cho rằng những người đã trải qua COVID-19 cũng giống như người vừa từ trong “trận đánh” rút ra thì làm sao có đủ sức đánh tiếp. Chưa kể “F0 liệu đã khỏi hẳn chưa? hay rằng họ vẫn tiềm ẩn nguy cơ, để bất kỳ lúc nào cũng có thể gây hậu quả cho bản thân và cho người khác?”, ông nói thêm.
Theo đại biểu có tiếng “trực ngôn” này, hiệu quả và “tay nghề” của người đã khỏi bệnh cũng là một yếu tố đáng quan ngại khi họ vốn không được đào tạo chuyên môn nên ngay cả việc chăm sóc đơn giản cho người bệnh như giúp ăn uống cũng có thể gây ra những sơ xuất chết người.
Trên mạng xã hội, nhiều người cũng tỏ ra lo ngại khi thư ngỏ của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn được đăng lên. Một tài khoản có tên Diablox Tran nói tình hình “Nghiêm trọng đấy” và “Sài Gòn với Hà Nội sắp tới chả ổn tí nào”, trong khi tài khoản Hoang Bui cho rằng “Nhân sự ngành y tế đuối sức rồi”.
Bà Lê Hoài Anh, một nữ doanh nhân có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội tại Việt Nam, cũng là một F0 vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh vì COVID-19, bày tỏ sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của Bộ Y tế.
Bà giải thích với VOA: “Nó tuỳ theo điều kiện sức khỏe của người F0. Bởi vì có những người hồi phục trong cùng phòng với tôi, có những bạn trẻ 37-38 hay 32 tuổi thì những người đó (sau khi) hồi phục họ gần như là bình thường. Nên trong tình trạng thiếu nhân viên y tế thì nếu huy động mà người ta tình nguyện thì tôi nghĩ với những người có đủ sức khỏe thì không có vấn đề gì”.
Nữ doanh nhân đang sống tại TPHCM cho biết trong bệnh viện nơi bà được điều trị COVID-19, bà chứng kiến một số trường hợp F0 sau khi khỏi bệnh đã tiếp tục ở lại trong bệnh viện để giúp chăm sóc người thân, sau đó cả hai cùng hồi phục và xuất viện.
“Có lẽ vì tôi ở trong này rồi nên tôi ủng hộ ý kiến của Bộ Y tế. Còn tất nhiên là không thể ép người ta vì còn tuỳ thuộc vào sức khoẻ của người ta. Nhưng ở đây Bộ Y tế kêu gọi thì tôi thấy lời kêu gọi đó có ý nghĩa”, nữ doanh nhân mới được xuất viện cho biết thêm.
Tại cuộc họp báo ngày 2/9, Sở Y tế TPHCM cho biết lực lượng F0 đã khỏi bệnh có thể hỗ trợ trong nhiều công việc như hướng dẫn, vệ sinh khử khuẩn, hỗ trợ điều dưỡng trong khu điều trị... để nhân viên y tế tập trung vào công tác chuyên môn.
Giới hữu trách TPHCM cũng tính đến chuyện trả lương cho các F0 tham gia chống dịch. Điều kiện này cũng là một yếu tố hấp dẫn đối với nhiều cư dân thành phố khi họ đã mất đi nguồn thu nhập chính trong nhiều tháng bị phong toả, tài chính cạn kiệt trong khi ngày mà mọi thứ quay trở lại bình thường còn rất mù mờ, xa xăm.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận 501.649 ca nhiễm COVID-19, đứng thứ 53/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ với bình quân cứ 1 triệu người có 5.103 ca nhiễm.